Mọi người đưa mắt nhìn, phát hiện ngoài bốn khẩu pháo đó ra, xung
quanh còn chất đầy hàng thùng đạn pháo, trên tường còn sơn khẩu hiệu
“Xây dựng pháo binh nhân dân vững mạnh”. Quan sát kỹ kết cấu của
kho pháo quân sự lỗi kép, thì thấy có vẻ như tổng thể kiến trúc của nó
đều được nằm trong huyệt động ẩn giữa lòng núi, được đổ hai lớp bê
tông cốt thép trong lòng động để che đậy tung tích, và lõi kép còn có
hiệu quả phòng chống xung kích do bom mìn dội xuống. Ở giữa có
thông đạo nối liền, hai đầu nam bắc rộng rãi, lần lượt đặt bốn khẩu pháo
đại bác D-66 án ngữ bốn cửa, nên nó có thể bắn dội từ trên cao xuống, từ
cửa động hai sườn nam băc, bắn thúc ra ngoài; tầm bắn ở đây lại khoáng
đạt, vị trí rất kín đáo, từ góc độ chiến thuật mà nói, thì đặt đại bác ở địa
điểm này là cực kì lý tưởng.
Cuối những năm 60, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm nhận được sự uy
hiếp của chiến tranh, nên bắt đầu tiến hành điều chỉnh chiến lược quy mô
lớn, các vùng như Hồ Bắc, Hồ Nam, Vân Nam, Tứ Xuyên, Quý Châu
v.v… đều được coi là khu vực chiến lược trọng điểm. Các đơn vị và bộ
đội đồn trú tại cơ sở nhận nhiệm vụ thi công những công trình và tham
gia những hạng mục huấn luyện mang tính đối ứng, trong đó có rất nhiều
công trình quân sự chuyên môn được bảo mật nghiêm ngặt, kho pháo
quân sự lõi kép này cũng nằm trong phạm trù đó. Có lẽ, công trình được
triển khai từ lưng núi, còn mấy khẩu đại bác D-66 được tháo dỡ từng
linh kiện vận chuyển vào đây, sau đó mới được lắp ghép lại, bởi vậy dân
binh bản địa mới không hay biết trong núi còn có một nơi như thế này.
Chính vì vậy, cửa động sườn bắc và sườn nam đều bị chặn lại, khiến kho
pháo quân sự lõi kép hoàn toàn bị niêm phong trong lòng núi. Trộm
nghĩ, có lẽ do thời cuộc thay đổi, kết cấu của nó không hợp lý, đã dẫn
đến tường kho rạn vỡ, nó mới bị bỏ hoang vào phút chót, nhưng khẩu đại
bác lại không tiện di dời, nên khi ấy vẫn chưa dỡ ra vận chuyển, tạm thời
để lại trong núi, đề phòng mai sau cần dùng.