Hải ngọng tưởng khi nãy đã bóp nó chết, ai dè nó vẫn còn sống, đang
định lấy chân di, thì vật đó đã chuồn đi từ bao giờ. Anh thầm kinh ngạc,
quay sang hỏi Tư Mã Khôi: “Con gì thế Khôi? Tắc kè hoa à?”
Tư Mã Khôi thấy không giống tắc kè hoa, vì loài này chỉ có bốn chân,
thường ẩn nấp trong rừng nhiệt đới, lại không biết bay giữa không trung;
còn sinh vật trong pho tượng ngọc nom hao hao giống hoàn long, một
sinh vật nguyên thủy sống ở vùng đại hoang, nó có thể bay ở khoảng
cách ngắn, quen sống kí sinh ở nơi ẩm ướt, âm u, con lớn nhất chỉ to
bằng cái kim, nghe nói đã tuyệt chủng từ lâu, sau thời Tấn không thấy
ghi chép nào liên quan đến nó nữa. Thế nhưng con khi nãy lại to bằng cả
ngón tay, có lẽ là giống cổ đại, vì thế giới dưới lòng đất ở Âm Hải Cốc
hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài, môi trường đặc biệt ấy vẫn
hoàn toàn không thay đổi từ thời hằng cổ, nên không biết trong lòng nó
còn ẩn chứa bao nhiêu loài sinh vật ít nghe hiếm gặp và đáng sợ khác
nữa.
Cao Tư Dương thấy ngón nghề của Tư Mã Khôi tinh tuyệt, lòng cũng
thầm thấy kinh ngạc, cô và Thắng Hương Lân chạy lại cởi dây trói, đỡ
Nhị Học Sinh trên cây xuống cho mạch máu lưu thông trở lại.
Tư Mã Khôi biết Nhị Học Sinh may mắn lắm mới giữ lại được tính
mạng, tuy nguyên khí bị tổn thương nhưng không đến nỗi để lại hậu họa
gì, cũng may dị vật khi nãy là con đực, chứ nếu là con cái, nó phát tán
trứng trong máu, thì cho dù Hoa Đà, Biển Thước có tái thế cũng không
thể tìm ra phương thuốc giải cứu. Anh thấy Nhị Học Sinh mềm nhũn
chân tay, khẩu súng săn cũng văng đâu mất, liền nhặt một cành cây tùng
khá chắc chắn, lấy dao săn vót nhọn một đầu, rồi buộc dây thừng vào,
giao cho Nhị Học Sinh dò đường và phòng thân, đồng thời nhắc cậu ta
phải bám sát đội hình, lần sau chưa chắc đã may mắn được như vậy.