Thắng Hương Lân nói: “Anh cứ quy kết mọi hiện tượng quái dị
xảy ra trong sơn động đều do thần quỷ gây ra, nhưng tôi lại cảm
thấy chúng ta đã bị chính sơn động này dẫn đi nhầm hướng thì
đúng hơn”.
Tư Mã Khôi biết tư duy của Thắng Hương Lân rất rõ ràng, tỉnh
táo, kiến thức của cô cũng vượt xa một Nhị Học Sinh chỉ biết đánh
trận trên giấy. Theo anh, cảnh ngộ đội thám hiểm gặp phải trong
sơn động, tóm lại chỉ có thể tồn tại ba khả năng: đầu tiên là, thiên
nhiên tạo hóa đã tạo ra những gian thạch thất giống nhau như đúc,
thứ đến là do sức mạnh thần bí của ma quỷ, còn cuối cùng là người
thượng cổ đã tạo ra mê cung tinh xảo tuyệt mỹ này.
Có điều, do bề mặt biểu tầng của nham thạch vẫn còn dấu tích
địa chất gợn sóng, nên khả năng thứ ba tuyệt đối không thể tồn tại.
Ngoài ra, hang động cổ trong núi Âm Sơn này được hình thành từ
hàng trăm triệu năm trước, còn trong lòng nó có hàng trăm gian
thạch thất giống nhau, thì làm sao có thể ngày càng thu nhỏ theo độ
sâu được? Bởi vậy, khả năng thứ nhất cũng rất mờ mịt, chỉ có khả
năng thứ hai “do ma làm” là nghe có vẻ hợp lý nhất, đồng thời có
thể lý giải mọi thứ đang diễn ra; có điều, khi Tư Mã Khôi nghe ý
Thắng Hương Lân, thì anh lại chột dạ: “Lẽ nào trong hang động
hàng vạn năm này tồn tại vật chất gây ảo giác nào đó?”
Quả như suy đoán của anh, so với khả năng “do ma làm” thì
Thắng Hương Lân càng tin khả năng thứ nhất. Cô nói tiếp: “Có lẽ
do địa hình thiên nhiên tạo hóa giống nhau, kết cấu mỗi gian thạch
thất không khác nhau là mấy, chỉ có điều quy mô có chút thay đổi
mà thôi, càng sâu vào trong lại càng chật hẹp…”
Tư Mã Khôi hết sức ngạc nhiên, anh hỏi: “Đúng là ma mị hết
chỗ nói, đừng nói sơn động cổ xưa này do thiên nhiên tạo thành,
mà cho dù do bàn tay con người làm ra cũng không thể làm đến
mức… tinh xảo như thế”.
Nhị Học Sinh phụ họa: “Đúng vậy, mỗi gian thạch thất nằm
cách nhau, nhưng giống nhau hoàn toàn, mà lại thu nhỏ dần dần từ