CẤP ĐỘ NĂNG LỰC: THEO DÕI
Nhưng chẳng phải từ trước tới giờ, học sinh vẫn luôn được phân loại theo
cấp độ năng lực hay sao? Như các bài kiểm tra và các thành tích chúng đạt
được trong quá khứ thể hiện độ giỏi của chúng? Hãy nhớ rằng, bài kiểm tra
và các hình thức đo đạc khả năng của một người chỉ phản ảnh chỗ đứng của
người đó tại một thời điểm nhất định, chứ không nói lên người đó tiến xa
tới đâu trong tương lai.
Falko Rheinberg, một nhà nghiên cứu người Đức, đã nghiên cứu
những giáo viên đang dạy từ cấp 3 trở xuống với những lối tư duy khác
nhau. Một số giáo viên có Tư Duy Cố Định. Họ tin rằng mỗi học sinh, khi
mới bước vào lớp, có những khả năng ở các mức độ khác nhau, và đó sẽ là
thước đo vĩnh viễn cho họ khi đánh giá học sinh:
“Theo như kinh nghiệm dạy học của tôi, kết quả học tập của một
học sinh bất kỳ sẽ không thay đổi trong suốt một năm học.”
“Nếu tôi biết được học sinh thông minh tới đâu, tôi sẽ dự đoán
chính xác sau này chúng có thể làm gì.”
“Với vai trò là một giáo viên, tôi không có khả năng thay đổi trí
thông minh của học sinh.”
Giống với cô Wilson, cô giáo dạy lớp 6 của tôi, những giáo viên này
áp dụng và dạy các học sinh của mình lối Tư Duy Cố Định. Trên lớp,
những học sinh nào ngay từ đầu được xếp vào nhóm học tốt thì cuối năm
cũng vẫn ở nhóm đó, còn những học sinh nào bị xếp vào nhóm yếu kém thì
tới cuối năm cũng vẫn không có gì biến chuyển.