NĂNG LỰC VỀ NGHỆ THUẬT CÓ PHẢI DO BẨM SINH?
Mặc dù rất nhiều người tin rằng trí thông minh là sẵn có từ khi sinh
ra, chứ không phải được tạo nên, nhưng khi ta thử nghĩ thật kỹ thì việc con
người có thể nâng cấp kỹ năng của mình là điều khá hợp lý. Trí thông minh
có rất nhiều phương diện. Ví dụ, bạn có thể phát triển kỹ năng thuyết trình
hay toán học, hay tư duy logic, v.v. Nhưng khi nói về năng khiếu về nghệ
thuật, mọi người cho rằng đó là thứ… trời cho. Ví dụ, trời cho ai thì người
đó vẽ đẹp, còn không thì sẽ là thảm họa mỹ thuật.
Ngay cả tôi cũng đã từng nghĩ như vậy. Trong khi một số người bạn
của tôi vẽ được những bức tranh rất đẹp mà chả qua một khóa huấn luyện
hay gặp tí khó khăn nào, khả năng vẽ của tôi ngang bằng với đứa trẻ mẫu
giáo. Dù tôi cố tới đâu đi nữa, những bức tranh của tôi vẫn trông rất giản
đơn và chỉ đem lại thất vọng. Nhưng nghệ thuật của tôi lại tỏa sáng ở khía
cạnh khác. Tôi có thể thiết kế, tôi rất giỏi về màu sắc, và tôi có cảm giác về
bố cục. Thêm vào đó, tôi còn biết phối hợp tay-mắt khá nhuần nhuyễn. Vậy
thì tại sao tôi lại không thể vẽ? Hẳn là do tôi không có tài năng về lĩnh vực
này.
Tôi phải thừa nhận rằng yếu kém đó không làm tôi quan tâm cho
lắm. Trong cuộc sống, có mấy khi mà bạn phải vẽ thứ gì đó cơ chứ? Tôi
tìm được câu trả lời đó trong một bữa tối với một người đàn ông rất thú vị.
Anh ta lớn tuổi hơn tôi, một nhà tâm thần học, đã từng sống sót qua vụ
thảm sát Holocaust (vụ Hít-le ra lệnh cho Phát xít Đức giết hơn 6 triệu
người châu Âu gốc Do Thái). Khi còn là một đứa trẻ 10 tuổi ở Cộng Hòa
Séc, một ngày, anh ta và đứa em trai đi học về và không tìm thấy bố mẹ
mình. Biết rằng mình có một người chú ở Anh, hai đứa trẻ sau đó đã tự đi
bộ tới London để tìm người thân duy nhất còn sót lại.