Rõ ràng là chúng biết điều mà tôi không biết, và tôi quyết phải tìm cho ra
điều đó là gì – để hiểu lối tư duy nào có thể biến thất bại thành cơ hội.
Vậy điều những đứa trẻ này biết là gì? Chúng hiểu rằng, những
phẩm tính của con người, ví dụ trí thông minh, đều có thể trau dồi được. Và
đó là điều mà chúng đang làm – chúng đang trở nên thông minh hơn (bằng
cách làm những câu hỏi khó). Không những chúng không bị nản lòng vì
thất bại (không giải được câu đố), mà chúng còn không nghĩ rằng chúng
đang thất bại. Chúng nghĩ rằng chúng đang học hỏi.
Mặt khác, tôi đã luôn nghĩ rằng phẩm chất của con người mãi bất
biến như được khắc vào đá. Bạn nếu không thông minh thì sẽ là đần độn,
và thất bại tức là bạn không thông minh. Đơn giản vậy thôi. Nếu bạn có thể
lên kế hoạch để thành công và tránh thất bại hết mức có thể, bạn sẽ luôn
giữ được sự thông minh của mình. Mắc sai lầm, kiên trì hay phải vất vả làm
điều gì đó là những điều tôi cố gắng không bao giờ làm.
Phẩm chất con người là thứ bồi dưỡng được hay bất biến là vấn đề
đã được bàn luận từ lâu. Ý nghĩa của những ý kiến này với bạn mới là điều
mà ít ai đặt câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra khi bạn cho rằng trí thông minh, hay
tính cách là thứ mà bạn có thể phát triển; và điều gì sẽ xảy ra khi bạn cho
rằng điều ngược lại mới đúng? Trước tiên, hãy cùng nhìn lại về bản chất
con người, sau đó hẵng quay lại những câu hỏi này nhé.