Nhưng chúng ta thì biết. Đó là vì họ có Tư Duy Phát Triển. Họ tin vào phát
triển con người. Và dưới đây là những dấu hiệu:
Họ không cố phải chứng tỏ họ giỏi hơn người khác. Ví dụ, họ
không nhấn mạnh vị trí của họ phải là cao nhất trong công ty, họ không
giành công của người khác, và họ không hạ thấp người khác để cảm thấy tự
tin hơn về bản thân.
Thay vào đó, điều họ không ngừng làm là tiến bộ. Họ tự vây quanh
mình những người giỏi nhất, họ nhìn thẳng vào những sai lầm và khiếm
khuyết của mình, và họ hỏi thẳng về những kỹ năng nào mà họ cũng như
công ty cần có trong tương lai. Và nhờ đó, họ có thể tiến bước với sự tự tin
có cơ sở từ thực tế, chứ không phải từ những mơ mộng viển vông về tài
năng.
Collins viết rằng, Alan Wurtzel, vị CEO của chuỗi điện máy khổng
lồ Circuit City, thường có những cuộc tranh luận trong phòng hội đồng.
Thay vì cố gây ấn tượng với Ban giám đốc, ông dùng các cuộc tranh luận
đó để học hỏi. Ông cũng đưa ra câu hỏi, tranh luận, suy ngẫm với đội ngũ
điều hành của chính mình cho tới khi ông dần nhận ra một bức tranh rõ
ràng hơn về vị trí hiện tại cũng như hướng đi của công ty trong tương lai.
Wurtzel nói với Collins rằng, “Họ thường gọi tôi là ‘công tố viên’, vì tôi
suốt ngày đặt ra câu hỏi. Tôi giống như một con bulldog vậy. Tôi sẽ không
bao giờ từ bỏ cho tới khi tôi thực sự hiểu ra vấn đề. Tại sao? Tại sao? Tại
sao?”.
Wurtzel thường tự nhận mình là một “con ngựa cày”, một người
đàn ông bình thường, chăm chỉ, thực tế, nhưng ông đã đưa một công ty
đang ở bờ vực phá sản lên thành công ty có tổng lợi nhuận cho cổ đông cao
nhất bất kỳ doanh nghiệp nào trên sàn New York Stock Exchange trong
vòng 15 năm.