Hornstein miêu tả về Paul Kazarian, cựu CEO của Sunbeam-Oster
như sau: ông ta tự gọi mình là “người cầu toàn”, nhưng đó chỉ là tên gọi
khác của “kẻ bạo hành” mà thôi. Ông ném đồ vào cấp dưới khi họ làm ông
tức giận. Một hôm, nhân viên kế toán của công ty, sau khi làm Kazarian
phật lòng, đã bị ném nguyên một hộp nước cam vào người.
Đôi khi nạn nhân là những người mà ông chủ của họ cho rằng họ có
ít tài năng hơn. Điều này càng làm căng phồng sự xuất chúng của người
lãnh đạo. Nhưng thường nạn nhân lại là những người giỏi nhất, bởi đó
chính là những người đem lại mối đe dọa cho Tư Duy Cố Định của người
sếp. Một kỹ sư trong một công ty chuyên chế tạo máy bay, khi được phỏng
vấn bởi Hornstein, từng kể về người sếp cũ của anh ta: “Ông ta thường
nhắm tới những người như bọn tôi – những người có chuyên môn cao. Nếu
anh thực sự quan tâm tới năng suất làm việc của bọn tôi, đáng nhẽ anh sẽ
không bắt nạt những người đang làm việc hiệu quả nhất.” Nhưng nếu thứ
bạn quan tâm lại là cảm giác hơn người, thì chắc chắn bạn sẽ làm điều đó.
Khi những người sếp cảm thấy bị lép vế, mọi thứ của công ty sẽ chỉ
xoay quanh việc làm hài lòng sếp. Trong Từ Tốt Tới Vĩ Đại, Collins nói
rằng trong rất nhiều những công ty thuộc nhóm so sánh (nhóm công ty
không phát triển được lên cấp độ vĩ đại, hoặc lên được rồi nhưng lại rớt
xuống), người lãnh đạo là thứ duy nhất mọi người phải quan tâm tới. “Giây
phút mà một người lãnh đạo – chứ không phải là những mối nguy hiểm
thực tế - trở thành nỗi lo lớn nhất mà mọi người ái ngại, bạn đã có công
thức của sự sụp đổ, hoặc còn tệ hơn thế.”
Vào những năm 60-70, Ngân hàng Chase Manhattan được lãnh đạo
bởi David Rocketfeller, một người lãnh đạo khá… gia trưởng. Theo như
Collins và Porras đã viết trong Built to Last, các nhà quản lý ngày qua ngày
phải sống trong nỗi sợ làm phật lòng ông ấy. Cuối mỗi ngày mới là lúc họ
có thể thở phào nhẹ nhõm: “May quá. Một ngày nữa trôi qua và mình