việc lắng nghe người bạn đời của mình? Bạn vốn đã có thể làm gì? Bây giờ
bạn nên làm gì?
Phản ứng của Tư Duy Phát Triển. Đầu tiên, không phải là cuộc hôn nhân,
thứ mà bạn hay nghĩ rằng nó vốn diễn ra tốt đẹp, đột nhiên chuyển biến xấu
đi. Nó giống như một cái cây, khi không còn được chăm bón nữa, sẽ chết
đi. Bạn cần phải nghĩ về cách mà bạn và người bạn đời từng vun đắp cho
mối quan hệ này, và nhất là lý do tại sao bạn đã không thể nghe thấy những
nhu cầu được gần gũi hơn và chia sẻ nhiều hơn từ người ấy.
Khi bạn nghĩ kỹ về nó, bạn sẽ nhận ra rằng, trong Tư Duy Cố Định
của bạn, bạn coi những nhu cầu ấy của người bạn đời là những lời chỉ trích
mà bạn không muốn nghe. Bạn cũng nhận ra rằng, ở một mức độ nào đó,
bạn sợ rằng bạn sẽ không đáp ứng được nhu cầu muốn gần gũi ấy của
người kia. Vì thế thay vì cùng nói chuyện về những vấn đề giữa hai người,
bạn giả điếc, mong rằng vấn đề ấy sẽ tự động bốc hơi.
Khi một mối quan hệ trở nên xấu xí hơn, đây là những vấn đề mà
chúng ta cần phân tích thật sâu, không phải để đổ lỗi cho nhau, mà để vượt
qua nỗi sợ của chúng ta và học những kĩ năng giao tiếp cần có để xây dựng
và duy trì những mối quan hệ tốt đẹp hơn trong tương lai. Cuối cùng, một
Tư Duy Phát Triển cho phép người ta mang theo, không phải những đánh
giá hay đắng cay, mà là sự thấu hiểu mới và những kĩ năng mới.
Có ai đó trong cuộc đời bạn đang muốn nói với bạn điều gì đó mà
bạn không muốn nghe không? Thử đặt mình vào Tư Duy Phát Triển và
lắng nghe họ xem.