Và họ càng cảm thấy trầm cảm, họ càng muốn mặc kệ mọi thứ, và
họ càng không muốn cải thiện tình hình. Ví dụ, họ không thiết tha việc học,
họ không nộp bài tập đúng hạn, họ còn không thèm làm việc nhà.
Mặc dù những sinh viên có Tư Duy Cố Định có dấu hiệu trầm cảm
nặng hơn, vẫn có rất nhiều những sinh viên với Tư Duy Phát Triển cũng
cảm thấy rất chán nản, nhất là vào thời điểm mà bệnh trầm cảm lan tràn thế
này. Tuy nhiên, càng cảm thấy bị trầm cảm, những người có Tư Duy Phát
Triển lại càng hành động để đối mặt với các khó khăn: họ càng cố gắng
đảm bảo việc học ở trường cũng như cuộc sống đời thường. Càng cảm thấy
tệ, họ lại càng trở nên quyết tâm hơn.
Nhìn từ bên ngoài, thật khó có thể nhận ra họ đang bị trầm cảm. Sau
đây là câu chuyện mà một chàng trai đã kể cho tôi.
Em là sinh viên năm nhất, và đây là lần đầu tiên em phải sống xa
nhà. Em chẳng quen biết ai hết, khóa học thì khó, và càng về cuối năm em
càng cảm thấy mệt mỏi. Dần dần, bệnh trầm cảm của em nặng tới nỗi em
chả còn muốn ra khỏi giường vào buổi sáng nữa. Nhưng hàng ngày em vẫn
cố ép bản thân phải vực dậy, tắm rửa, cạo râu, và làm tất cả những việc em
cần làm. Một hôm, em chạm tới giới hạn của mình và quyết định kêu gọi sự
giúp đỡ, em đã tới nói chuyện với người trợ giảng môn Tâm lý học và xin
lời khuyên.
“Em có tới lớp đều không?” – cô ấy hỏi
“Dạ có.”
“Em có đọc sách như hướng dẫn không?”
“Dạ có.”