Zarathustra nhìn thấy điều này. Ngài biết nếu sự sùng bái haoma
nổi lên, sẽ dẫn đến sự tan rã cộng đồng. Ở Iran xảy ra như vậy, như ở
Hi Lạp, và trước sự thay đổi này, vị trí của Zarathustra trở nên có ý
nghĩa hơn, giống như vị trí của Heracleitos hoặc Pythagoras. Ở Iran
cũng xảy ra như ở Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng vị trí của Zarathustra
trái ngược hẳn với Buddha - Đức Phật ở Ấn Độ hay Khổng tử ở Trung
Quốc.
Trong thời gian này, khắp nơi trên trái đất những thể thống nhất
của những cộng đồng lớn bắt đầu lỏng lẻo, con người bắt đầu trở thành
những cái TÔI cá nhân, trong phúc lạc, trong tri thức, trong đời sống
thiêng, các dân tộc không cùng tham dự vào sự sống thiêng nữa, mà trở
thành những cá nhân cái TÔI riêng rẽ.
Zarathustra, Heracleitos, Pythagoras bằng tất cả sức lực của mình
muốn ngăn cản nhân loại đang vỡ ra từng mảnh. Còn Khổng tử và
Buddha - Đức Phật ngược lại, truyền bá một sự dạy dỗ hưởng thụ
haoma cá nhân trong tri thức cá nhân, trong hứng khởi cá nhân.
Tại Iran cuộc chống trả này sắc bén hơn cả ở Ấn Độ, Trung Quốc
hay Hi Lạp. Tinh thần lửa của Zarathustra cố gắng chặn lại tình thế:
Ngài nguyền rủa sự sùng bái haoma cá nhân và gọi đó là các thế lực
đen tối ahrimani. Zarathustra đào sâu trở lại truyền thống cổ để cứu vớt
sự thống nhất của con người bằng tri thức thu được từ đấy.
Và như vậy một vốn cổ đã lộ diện: đấy là ASA-ĐIỀU THIỆN.
2.
Thông thường người ta dịch asa nghĩa là một sự thật được xây
dựng bằng trật tự. Nhưng bản thân từ này, cũng như tất cả các từ ngữ
của nhân loại cổ, không thể dịch nổi chỉ bằng một miêu tả.
Asa có quan hệ với sự dâng hiến và sự sùng bái, nhưng kẻ hiến
dâng và nhân vật dâng bái vật không phải linh mục mà là chủ gia đình.