trong Đại lâu.
Ông chọn gian nhà cỏ xuềnh xoàng bên rừng trúc để cư ngụ, có suối nước
trong thuận tiện cho ông pha trà hàng ngày và lấy biệt hiệu là Sekishusai.
Mặc dầu ưa cuộc sống đạm bạc, nhưng từ khi có Otsu đến ở, gian nhà cỏ
của ông cũng đỡ phần cô tịch. Trong tuần trà sớm, tiếng sáo của nàng thêm
đầm ấm, và buổi chiều, dáng nàng đi yểu điệu trong bộ y phục màu nhạt tha
thướt như điểm một nét tươi vui giữa màn sương mù xanh xám bắt đầu tỏa
xuống bao phủ căn thảo thất.
Sau khi cắm xong nhành mẫu đơn độc nhất vào chiếc bình sứ men gạo nếp
sản xuất tại Iga, Yagyu Muneyoshi quay sang hỏi Otsu:
- Sao ? Chị thấy được không ?
- Tiền bối quả thấu triệt nghệ thuật cắm hoa. Chắc tiền bối đã theo học kỹ
thuật này từ khi còn trẻ ?
Yagyu Muneyoshi cười:
- Chị lầm rồi ! Lão phu không phải xuất thân từ một gia đình quý tộc, trong
thời niên thiếu lại không có thì giờ học cách cắm hoa hay trà đạo.
- Thế mà trái lại, trông cách xếp đặt, ai bảo tiền bối không biết cắm hoa !
- Thế ư ! Lão phu đã cắm hoa như dùng kiếm vậy mà !
Otsu ngạc nhiên:
- Tiền bối nói thế là thế nào ?
- Lưỡi kiếm trong tay phải sinh động, nắm chặt quá tất không sử dụng uyển
chuyển được theo ý muốn, lơi quá nó bay đi mất. Cành hoa cũng thế, khi
ngắt khỏi thân, chớ làm cho hoa chết. Bất cứ ở vị thế nào, hoa cũng phải
sống động, hòa hợp với ngoại cảnh, thể hiện cảm xúc của mình. Chị thấy
bông mẫu đơn này có sống động không ?
Otsu khẽ gật đầu mỉm cười. Sau mấy tháng cư ngụ tại nhà Yagyu, nàng đã
học được rất nhiều ở Yagyu Muneyoshi và nhận thấy vị đại kiếm sĩ này tuy
sống khắc khổ nhưng có một nhân sinh quan rất phóng dật. Ông dạy nàng
làm thơ Đường tuy ông thích thơ Haiku hơn vì loại thơ này nhẹ nhàng,
không gò bó, gần với thiên nhiên. Ông dạy nàng những nghi lễ phiền toái
của trà đạo nhưng trong những buổi hầu trà, nàng hiểu rõ hơn ai hết, ông
không bao giờ câu nệ những nghi lễ ấy.