Sakai trở lại khách sảnh. Ông nhìn bức họa hãy còn ướt mực. Bức họa vẽ
cảnh đồng Musashino, cỏ cháy vàng chiếm nửa bình phong. Chính giữa là
vầng thái dương đỏ thắm, và thủy mặc được dùng để diễn tả bầu trời mây
vần vũ của một ngày dông bão.
Sakai lẩm bẩm:
“Con hổ đã được đại danh thả về rừng mất rồi !”.
oo Hôm sau, Musashi trở lại lều, bộ lễ phục vẫn còn cứng bột hồ nhưng bụi
đất đã làm lem nhem những chỗ lụa trắng. Gonnosuke mừng rỡ:
- Mừng đại huynh ! Đệ chờ từ sớm. Đại huynh đi rửa mặt rồi thay áo. Có
phải nhận việc ngay không ?
Musashi cười:
- Không. Đề nghị bị bác.
- Bị bác ? Đại huynh không giỡn đấy chứ ?
- Ai giỡn làm gì !
- Tiếc quá nhỉ ! Khó có cơ hội như thế nữa.
- Hiền đệ mà cũng nghĩ vậy à ? Hiền đệ cho là vinh quang chỉ ở trong Phủ
Tokugawa hay sao ?
Gonnosuke không đáp. Musashi lại tiếp:
- Một thời, ngu huynh cũng có ý muốn đem sở học và kiếm thuật đặt dưới
chân minh chủ mình chọn lựa, mơ tưởng kiếm đạo đi đôi với chế độ để xây
dựng một quốc gia cường thịnh.
- Phải vậy chứ. Tiểu đệ cũng nghĩ thế.
Musashi lại cười:
- Vậy là chúng ta đồng ý kiến. Nhưng giấc mơ ấy tan rồi ! Đó chỉ là giấc
mơ không sát thực tế. Có bao giờ hiền đệ tự hỏi nếu gặp một chế độ không
chủ trương xây dựng quốc gia thì những người cầm kiếm phục vụ cho chế
độ ấy phải xử sự thế nào ? Bị cuốn vào cơn lốc, người cầm kiếm không có
lối thoát, sẽ bị dùng như một món đồ cho đến chết và nhiều khi không biết
rằng mình chỉ là một món đồ ...
Gonnosuke cau mặt:
- Vậy đại huynh đứng ngoài xã hội hay sao ?
- Không. Hiền đệ chớ nghĩ thế. Chừng nào còn dân tộc Nhật, còn quốc gia