gia đình bị cướp đi nguồn lao động chính vào quân đội có đau khổ thế nào
đi nữa, thì cũng không thể cho phép từ chối việc trưng binh.
Như thế những cột trụ trong gia đình lần lượt bị kéo đi thành binh sĩ
và lũ trẻ con phải nghe người lớn nói chuyện với nhau:
“Anh nhà phải đi ra trận rồi nhỉ.”
Bây giờ nếu thử suy nghĩ lại ý nghĩa của câu chữ này, tôi lại càng cảm
thấy sự tàn khốc của việc phải nói những câu này với cha mẹ học sinh tại
trường học. Đối với những người mẹ đang trông nhà giữ một đàn con, hay
đối với những đứa con đã từng hoan hỷ tranh nhau ngồi lên đầu gối của cha
mình, thì câu nói này có thể chuyển thành:
“Anh nhà có lẽ sẽ phải chết đấy!”
Lần về quê cuối cùng
Gia đình tôi là nhà nông may mắn được trời phú cho những cánh đồng
diện tích khá lớn. Những ruộng lúa nước chất luống cao ấy đón nắng gió
bát ngát và mùa màng bội thu hơn hẳn. Nhưng để có thể tiếp tục việc canh
tác nơi những mảnh ruộng được trời ban ấy thì phải có sức người lao động
là cha tôi.
Vào mùa xuân khi cắt cỏ xong thì xới đất và cày bừa. Rồi bị cuốn vào
sự bận rộn của việc gieo hạt, cho đến ngày xong thì sau đó phải nhổ cỏ,
canh nước… Từ mùa xuân cho đến mùa thu, công việc của những nhà nông
là không thể ngơi tay.
Hồi giấy triệu tập gửi tới lúc đó thì người con trai thứ ba là tôi cũng
mới có sáu tuổi, em trai và em gái thì hãy còn hôi sữa. Mẹ vốn dĩ là người
chân tay yếu mềm nên việc vừa chăm lo cho các con nhỏ vừa một mình
gánh vác việc đồng áng là việc quá sức của mẹ. Cha bị triệu tập vắng nhà là
vào một ngày mùa thu năm 1944 (năm Chiêu Hòa thứ mười chín).