ta không thèm đoái hoài gì đến cô ta nữa; cô ta có thể tự giải phóng mình
nếu thấy có cơ hội và cho phép cô được tái giá với người khác. Nếu không
có tờ giấy đó thì chẳng ai dám đến gần người đàn bà kia vì sợ người chồng
cũ sẽ đòi lại vợ và kiện cáo lên quan, khiến cho người đàn ông đến sau gặp
rắc rối lớn và thiệt hại đáng kể về tài chính.
Khi ra đi, người vợ được phép mang đi số vàng (hoặc bạc, hoặc tiền) mà
trước đây người chồng đã mang đến xin cầu hôn cô. Người chồng được
quyền nuôi con. Các quan hiếm khi can thiệp vào việc này, trừ khi có liên
đới đến tiền bạc, và thường hay xử ép người vợ. Thê thiếp cũng bị xử như
vậy trong các trường hợp tương tự. Đối với tầng lớp dân nghèo, một khi vợ
chồng bất hòa và đồng tình ly dị, họ có thể được ly dị dưới sự chứng kiến
của một quan tòa cấp thấp hoặc một viên quan ở địa phương cùng với một tờ
giấy chứng nhận ly hôn. Tuy nhiên, những người đàn ông ở làng thường
không biết chữ nên thường bẻ đôi đồng tiền hoặc chiếc đũa trước mặt người
vợ như một bằng chứng cho việc giải phóng hôn nhân, anh ta giữ một nửa
và đưa cho vợ nửa còn lại. Người vợ mang bằng chứng đó đến cho trưởng
thôn hoặc một người già trong làng để làm chứng cho việc người chồng đã
giải phóng cho cô, rằng từ nay anh ta không còn cơ sở gì để quản lý cô nữa.
Sau đó cô có thể vứt nửa đồng xu hay nửa chiếc đũa kia đi và tái giá với
người cô ưng.
Về tội ngoại tình: nếu người chồng có địa vị phát hiện vợ mình ngoại tình,
anh ta có thể tự tay kết liễu kẻ lăng loàn đó cùng với tình nhân một cách tự
do. Nếu không tự tay giết, người chồng có thể đem vợ ra cho voi giày, còn
kẻ tình lang kia không sớm thì muộn cũng sẽ bị xử tử. Với tầng lớp dân
nghèo thì hình phạt không khốc liệt đến thế. Họ bị đưa ra xử và bị phạt nặng
nếu bị kết luận là phạm tội.
Câu chuyện mà Taverniere kể về trường hợp xảy ra khi anh trai mình
đang ở Đàng Ngoài thật chẳng giống với phong tục và luật lệ ở đây chút nào
nên có thể kết luận đó là một câu chuyện hoang tưởng.