Chương XVI
Về việc tang lễ của người Đàng Ngoài
N
gười Đàng Ngoài rất khiếp sợ về cái chết và sự coi trọng của họ về
điều này cũng thật chẳng kém phần mê tín. Họ tin rằng chỉ có hồn ma của
trẻ nhỏ là đầu thai trở lại vào bào thai ở trong bụng người mẹ, còn tất cả các
linh hồn khác đều trở thành ma quỷ, hoặc chí ít các linh hồn đó đều có thể
gây ra cả điều tốt và điều xấu cho con người. Linh hồn lang thang như
những kẻ du thủ du thực sẽ chết vì thiếu thốn và bần hàn nếu như không
được họ hàng thân thích chu cấp hoặc nếu như chúng không trộm cắp và gây
ra bạo lực để kiếm thứ gì đó để tồn tại. Theo người Đàng Ngoài thì những
cái chết đó là sự khổ nhục lớn nhất xảy ra với con người. Người Đàng Ngoài
vô cùng cẩn trọng ghi nhớ thời khắc một người qua đời (họ đặt tên thời gian
theo tên con vật như Khỉ, Mèo, Chó, Chuột... [Thân, Mão, Tuất, Tý]). Nếu
người đó qua đời gần trùng với thời điểm cha, mẹ, hoặc người thân nào đó
sinh ra thì đó bị coi là một điềm gở cho gia tộc và dòng họ và họ sẽ không
cho phép chôn cất cho đến khi các pháp sư thầy bói đã tìm ra cho họ được
một giờ thiêng trong một ngày lành tháng tốt nào đó, cho dù họ có phải chờ
đến hai năm hoặc ba năm đi chăng nữa. Trong khi chờ đợi họ đem quàn xác
vào quan tài và đặt trên bốn chiếc cọc ở một chỗ cố định.