Đám tang một người Đàng Ngoài (quyền quý)
Nguồn ảnh: A Description of the Kingdom of Tonqueen, Samuel Baron, 1685
Những nghi lễ hết sức tỉ mẩn này thường chỉ những người giàu có thực
hiện được. Những người khác chết không cần phải xem xét thật kỹ lưỡng
như trên, có thể được chôn cất sau khoảng 10 hoặc 15 ngày. Việc giữ thi thể
càng lâu thì càng tốn kém, không chỉ với vợ và con người quá cố (những
người phải dâng cơm cúng ba lần mỗi ngày, giữ cho đèn nến cháy suốt ngày
đêm, đốt hương trầm, phúng các đồ mã như vàng và bạc nén, các loạt hình
nộm ngựa, voi, hổ. Tất cả con cái và họ hàng cũng có nghĩa vụ đóng góp để
tổ chức bữa cỗ chung mời làng xóm (vào thời điểm hiện tại khá lỏng lẻo).
Ngoài ra, thật cực nhọc và vô cùng phiền toái cho con cái và họ hàng cứ
phải đến bên linh cữu để khóc than, phủ phục xuống đất lạy bốn lần rồi khóc
than kể lể vào giờ cúng cơm... và vô số những lễ nghi rườm rà và tẻ nhạt
khác nữa.
Những người khá giả rất kỹ lưỡng trong việc chuẩn bị áo quan cho bản
thân mình. Đến lúc tuổi đã cao họ cẩn thận chọn loại gỗ tốt và dày, nhờ tốp
thợ giỏi tay nghề đóng và sẵn sàng chi phí cao để có được một cỗ áo quan
ưng ý.
Người Đàng Ngoài cũng chú trọng đến việc phân biệt giới tính người
chết. Nếu người quá cố là nam thì thi thể được quàn với bảy bộ quần áo đẹp,
còn nữ thì được mặc chín bộ. Gia đình giàu sang bỏ vào miệng người quá cố
mẩu vàng và bạc, vài hạt ngọc trai. Nghi thức này không chỉ thể hiện sự
quyền quý ở thế giới bên kia mà còn để tránh tình trạng người quá cố trở nên
túng thiếu và bần hàn khi xuống dưới suối vàng. Những gia đình nghèo thì
cạo một ít móng tay và móng chân cho vào mồm người đã khuất để linh hồn
họ không thể quấy quả những người họ hàng còn sống. Tương tự, một số
người sẽ đặt lên áo quan một bát cơm, thay đổi hằng ngày vào bữa cúng
cơm và sẽ chôn theo khi hạ huyệt.
Người Đàng Ngoài không dùng đinh để đóng nắp quan tài mà dùng một
loại sơn để kết dính và hiệu quả thật đáng ngưỡng mộ. Họ quan niệm dùng
đinh đóng sẽ làm đau người quá cố.