nhau, hoa lửa văng khắp nơi, đến người ngoài cuộc như tôi cũng cảm thấy
để bọn họ đi làm loại công việc này thật sự rất vô nhân đạo.
Cuối cùng trong hoàn cảnh đi đường quá nhàm chán, Phong Tùy Hổ
cũng phải bắt chuyện với tôi, bắt đầu thể hiện bản năng của phụ nữ từ xưa
tới nay: nhiều chuyện. Tôi và nàng nói chuyện trên trời dưới đất, từ cổ chí
kim, làm đẹp trang điểm, cái gì cũng nói, về sau Vân Tòng Long thay ca về
nghỉ cũng tới làm thính gia nghe chúng tôi tám chuyện, kịp thời ngăn cản
Phong Tùy Hổ tiết lộ các quy tắc của sát thủ.
Điều khiến tôi ấn tượng sâu sắc là khi chúng tôi nói tới thời khắc cảm
động và đáng tự hào nhất trong đời. Tôi thản nhiên cho biết, đó là thời điểm
Tiểu ngũ nghĩa kết bái hồi tôi tám tuổi, đến lượt Xuyên Bắc song sát, với tư
cách là phái nữ, tôi cứ nghĩ đối với cặp vợ chồng đằm thắm như họ, đó hẳn
là khoảnh khắc Vân Tòng Long cầu hôn với Phong Tùy Hổ.
Ai ngờ Phong Tùy Hổ lại rưng rưng nói, đó là khi nàng đâm một đao
thành công vào ngực sư phụ của hai người, sau đó được kế thừa phong hào
đệ nhất sát thủ Xuyên Bắc. Nàng kể lại tỉ mỉ tình cảnh bọn họ dựa theo quy
củ của sư môn, móc trái tim của sư phụ ra. Tôi nghe mà nổi da gà, lúc quay
đầu lại thì thấy sắc mặt Vân Tòng Long có chút kích động và đắc ý, tôi
đành cố nén nuốt xuống ngụm trà suýt phun ra.
Chớp mắt đã trôi qua mấy ngày, chúng tôi đã tới Thành Đô hoa lệ.
Theo ghi chép, lai lịch của cái tên Thành Đô là dựa vào lịch sử nhà Tây
Chu lập đô, “Chu Thái vương từ núi Lương tới núi Kỳ, một năm dựng ấp,
ba năm dựng đô thành, vì vậy được gọi là Thành Đô.”
Từ thời Hán, nghề làm gấm ở Thành Đô đã phát triển, trở thành nơi
dâng cống quan trọng cho triều đình. Triều đình thiết lập việc quản lý nghề
gấm, cho xây dựng “thành Cẩm Quan” ở phía tây nam thành, vì vậy người
đời sau coi Cẩm Quan là tên khác của Thành Đô, gọi tắt là “Cẩm thành”.