... Khoảng một tuần kể từ khi tôi bị bắt cóc, tôi trở về làng giữa thanh
thiên bạch nhật, bảnh bao như vừa đi chơi một chuyến, trên chiếc xe taxi.
Mọi người kéo đến hỏi tôi tự dưng đi đâu mất tích, tôi chỉ đáp là có chút
việc nơi người bà con, cần có tôi để giải quyết. Mọi người thở phào nhẹ
nhõm, bởi họ nghĩ lại có chỗ dựa tinh thần tiếp tục cuộc chiến đấu chống
thu hồi đất cho dự án thép. Nếu ai tinh ý sẽ thấy có vài thay đổi trên mặt
tôi. Nó nhợt nhạt hơn, không chỉ do bị ngâm nước, mà còn do tâm trí tôi
hoàn toàn tan nát. Không ai biết là tôi đã phản bội họ. Không ai nghi ngờ
nhìn sâu vào mắt tôi để thấy điều đó. Tôi đã đồng ý ký vào bản cam kết
nhận tiền đền bù, cam kết vận động bà con không chống lại chủ đầu tư,
cam kết giữ kín mọi chuyện đã xảy ra. Bù lại, tôi được bồi thường nhiều
hơn gấp ba lần những gì mình được hưởng và con gái được an toàn tuyệt
đối. Theo gương tôi và do mất chỗ dựa, những người dân ngoan cố nhất
cuối cùng cũng đã chấp nhận phương án đền bù, dù trong lòng họ vẫn thấy
cay đắng. Đôi khi cũng có ai đó dò xét tôi, rằng vì sao tôi lại đổi ý nhanh
đến thế. Nhưng tôi biến mình thành tảng đá, hoàn toàn câm nín, thây kệ ai
nghĩ gì thì nghĩ.
Đó sẽ là bí mật mà tôi dự định mang theo xuống mồ. Bởi tôi không
muốn làm tổn thương con gái, không muốn nó thù hận cuộc đời này từ khi
còn là trẻ con. Tôi chỉ có mình nó là niềm hy vọng. Đó là chỗ yếu tuyệt đối
của tôi và những kẻ chiếm đoạt đã tìm thấy rồi lợi dụng triệt để.
Nhưng cũng bắt đầu từ cái ngày khủng khiếp đó, hằng đêm tôi sống
trong cảm giác mình đang ở địa ngục”.
Tập bản thảo còn khá dài, phần sau chủ yếu kể về những chuyện xảy
ra khi nhà máy thép mọc lên, đi vào hoạt động, theo lối viết của người điều
tra thu thập nhân chứng. Tất cả nhuốm một màu đen tối, vô vọng và đau
đớn. Nhưng ông Bích không hé lộ thêm tí chi tiết cụ thể nào liên quan đến
Diệu, lý do duy nhất khiến ông phải khuất phục.