- Con không biết ta, nhưng ta thì biết con từ thời thơ ấu. Chúng ta là
những kẻ mắc nợ con. Hãy nhận của ta một lời xin lỗi.
Nói dứt lời, mẹ kéo váy quỳ xuống trước mặt Diệu khiến cả tôi và cô
đều sững sờ. Cô ta thì ôm mặt khóc thút thít, toàn thân rung lên bần bật,
kiểu khóc của một người phải nén xuống nỗi đau đớn quá lâu vì bất lực, giờ
mới có dịp bật ra. Còn tôi thì luống cuống đỡ mẹ dậy. Lát sau thì chỉ còn
mẹ và tôi, như hai kẻ bị bỏ rơi không biết phải đi về hướng nào: Sau phút
giây với tôi thực sự là nỗi kinh hoàng đó, Diệu quyết định bỏ đi, mặc cho
mẹ van nài, dùng mọi cách mong cô ở lại nghe mẹ nói.
- Tại sao mẹ phải làm thế? - Tôi gần như gào lên trong sự uất ức và
thấy bị tổn thương.
- May là mẹ còn có cơ hội làm thế với cô bé này con ạ - Mẹ nói trong
nỗi buồn sâu xa - Hồng phúc nhà ta còn lớn, mới cho mẹ có được cơ may
ấy. Ông Bích, bố của cô bé chết rồi, có muốn nghe lời cầu xin của mẹ cũng
không được nữa.
- Ông Bích? Mẹ cũng biết ông Bích, lại còn biết là ông ta chết rồi.
Ông ta liên quan gì đến cuộc sống của chúng ta, ông ta chết khi nào?
- Ông ta là hiện thân đòn trừng phạt mà chúng ta phải chịu. Bố con
không phải là người độc ác. Bố con chỉ làm những gì không thể thoái thác,
khi tình thế bắt buộc. Bố con chỉ can dự vào một phần nhỏ cuộc đời bi
thương của ông ấy thôi. Nhưng đó lại là nỗi đau khổ mà bố con mang theo
mình suốt cuộc đời. Nhiều năm rồi, mẹ không đêm nào yên giấc khi bố kể
hết mọi chuyện bố làm để có trong tay quyền xây lắp cái nhà máy thép ấy.
Vì lợi nhuận, vì không thể cưỡng lại những mệnh lệnh ban ra từ bóng tối!
Bố đã rất muốn dừng lại, bố đã nhiều lần tỏ ý không nên làm cái dự án ấy
nhưng không có cơ hội nói thật suy nghĩ của mình. Ở vào cương vị của bố
những năm ấy, nói thật vô cùng khó. Thậm chí không được phép. Bố có thể