Già Tâm và tôi cùng lần theo bậc đá của một cái thác nước cạn về mùa
khô để xuống lòng con suối chỉ còn trơ lại toàn sỏi. Chúng tôi cứ men theo
lòng suối đi sâu vào trong rừng.
- Một lần, khi đó dự án nhà máy thép đã xong xuôi - Già Tâm bắt đầu
kể - tôi vào phòng làm việc của bố cậu và thấy ông đang ôm mặt gục.
xuống bên chiếc bàn ông thường ngồi thưởng trà. Ông bảo tôi cứ về, ông sẽ
tự biết cách lo cho mình. Tôi nghe lời bố cậu nhưng không về, mà chui vào
một góc nhỏ để theo dõi ông. Tôi tự thấy có bổn phận phải bảo vệ bố cậu.
Ngộ nhỡ ông đang nghĩ quẩn thì sao? Ấy, tôi cứ phải giả định thật xấu như
vậy để biện minh cho hành động lén lút của mình. Mải theo đuổi ý nghĩ nào
đó, nên ông không để ý, mà ngóc ngách nào của phòng làm việc thì tôi
cũng đều biết còn hơn cả ma xó. Sau đó tôi thấy ông trở lại bàn làm việc,
kỳ cạch gõ bàn phím. Rồi ông in ra một trang giấy đặc chữ. Ông ngồi xem
chăm chú, mặt rất đau khổ. Khi đã đọc hàng chục lần, ông bèn cầm tờ giấy
xé đôi, vo lại, ném vào máy hủy tài liệu. Ông bật máy và chờ cho đến khi
mọi thứ biến thành tro mới thôi.
Sau hôm ấy, tôi nghĩ thầm, có thể bố cậu đang dính vào một chuyện
tình ái nào đó. Bổn phận của tôi là phải coi như không biết. Nhưng vì tò
mò, xin linh hồn ông dưới suối vàng tha thứ, tôi bắt đầu đóng vai một thám
tử tư. Không phải lần nào ông cũng cẩn thận bảo tôi về rồi mới ngồi viết,
thêm bớt, cắt xén trên máy trước khi in ra, đọc vài lần rồi lại cho vào máy
hủy. Có hôm ông làm điều đó khi tôi ngồi chờ ở phòng bên ngoài. Có hôm
ông đọc lại khi đã ngồi sau ghế xe, về văn phòng mới hủy. Có hôm tận
khuya tôi mới đưa ông về văn phòng, nhưng khi tôi tranh thủ ăn uống thì
bố cậu ngồi viết. Nếu tôi nhớ không lầm thì ngày nào ông cũng viết, sửa
chữa, đọc kỹ, in ra rồi lại hủy.
Việc đó kéo dài cho tận tới khi bố cậu bất ngờ đổ bệnh. Không ai nghĩ
ông lại gục nhanh thế. Tôi luôn ở bên ông những lúc mọi người đã về hết
trong phòng điều trị. Thỉnh thoảng bố cậu rơi vào những trạng thái rất kỳ