hiện trước mắt tôi, đặt tôi trước sự ngạc nhiên, và hàng đám những khuôn
mặt, những thầy giáo, những bè bạn, những kỷ niệm của những cái bí danh
và những câu chuyện nhảy múa trước mắt tôi trong những làn sóng qua
mau. Khi tôi đứng đó nhìn vào tấm bảng đồng, có một người đang cắm cúi
làm việc từ đằng sau, cạnh cây phúc bồn tử nhô lên. Ông ta đi tới và nhìn
tôi.
- Cậu có cần tôi không? – ông hỏi.
Và đó là Lohe, thầy giáo mà chúng tôi thường gọi Lohengrin.
- Thực ra thì không – tôi nói và giở nón ra – Tôi không biết thầy ở đây.
Tôi là một trong những học trò của thầy.
Ông ta nhìn tôi kỹ lưỡng hơn, quan sát cây gậy của tôi, nghĩ ngợi một lúc
và rồi đọc tên tôi. Ông không nhớ ra gương mặt tôi nhưng nhờ cái chân tê
cứng của tôi, vì rằng tự nhiên ông có biết về tai nạn của tôi. Đoạn ông mời
tôi vô nhà.
Tay áo sơ mi của ông xăn lên, và ông khoác một chiếc tạp dề làm vườn
màu xanh. Ông không có vẻ gì già hơn và trông mạnh khoẻ khác thường.
Chúng tôi đi qua khu vườn nhỏ xinh xắn, rồi ông dắt tôi vào một mái hiên
lộ thiên, nơi đây chúng tôi ngồi xuống.
- Chà, tôi sẽ không bao giờ nhận ra cậu – ông nói một cách thật thà –
Tôi hy vọng ký ức của cậu về tôi là một ký ức ân cần.
- Không hẳn hoàn toàn – tôi nói, cười lên – Thầy một lần phạt tôi mất
việc gì đó mà tôi không có làm và khăng khăng cho rằng việc quả quyết vô
tội của tôi là nói dối. Lúc đó là vào năm đệ tứ.
Ông nhìn lên với sự phô diễn bối rối trên gương mặt ông:
- Anh không nên giữ việc chống lại tôi. Tôi rất lấy làm tiếc. Với tất cả
ý định tốt lành trên đời, nó cứ tiếp tục xảy ra cho các thầy giáo là có một
cái gì sai lầm và một hành động bất công đã phạm phải. Tôi biết có những
trường hợp tệ hại. Đó là một lý do tại sao tôi ra đi.
- Ồ, thầy không còn dạy nữa à?
- Không dạy nay đã lâu rồi. Tôi bị bệnh, và khi tôi bình phục, quan
điểm của tôi đã thay đổi nhiều đến nỗi tôi xin từ nhiệm. Tôi đã cố gắng là
một thầy giáo tốt, nhưng tôi không được là một người như thế, anh phải