10) BỌT BỂ
Cái bọt bể (éponge) ta thường thấy người Âu-tây dùng
để lau rửa, chính là một loài « sinh-vật » (être vivant) ở
dưới nước bể. Những loài sinh-vật ấy thường kết lại thành
đám, bám chặt vào những núi đá dưới bể hoặc bám vào
những vỏ các loài cua, hến mà sống. Loài ấy lổ chổ những
lỗ mà tiếng khoa-học gọi là « osotiole » ; thân nó thì dài mà
mềm, có cái đặc tính giăng ra hoặc chun lại được.
Ta cầm một cái « bọt bể » mua ở hàng, tức là ta cầm cái
xác một con vật mà ta không biết, song trước khi thành một
cái « Bọt bể » bầy bán ở cửa hàng, thứ sinh-vật ấy đã phải
trải qua biết bao nhiêu sự chế hóa mới thành một thứ để
dùng như thế.
Như vậy thì chắc nhiều người muốn biết cái (lịch-sử) của
bọt bể, những nỗi hiểm nghèo của các nhà chuyên-nghệ đi
kiếm nó, cùng là cách chế hóa cho nó thành ra đồ dùng như
thế nào.
Các nhà bác-học trứ-danh như : Hacekel, Maas
Leuckart, Sallos, Delarge, v.v… đều có những bài khảo cứu
rất tinh tường về loài sinh-vật ấy là loài đứng ở các bực
thang tột cùng trong hàng động-vật mà cũng có một bộ cơ
thể hoàn toàn.
A) Có mấy thứ bọt bể ?
Bọt bể có nhiều thứ, song chỉ có hai thứ chính là thứ bọt
bể nhỏ thớ thường dùng để rửa và xoa mặt, và thứ bọt bể
to thớ dùng để tắm và lau vài thứ máy móc.