thì mải chơi. Nhưng đến bữa tìm vú mẹ chẳng thấy đâu, chú mới cảm thấy
hết sự trống vẳng của cái ổ rơm ấm cúng giờ đã trở nên hoang lạnh. Mực
bỏ ăn mấy ngày, nằm xẹp một chỗ. Cũng may tuổi nhỏ chóng quên. Vả
chăng, loài chó cũng không quen nhớ dai những chuyện loại ấy (nếu trái lại
thì loài người khá là phiền).
Thế là Mực ta ở lại một mình nơi “chôn nhau, cắt rốn”. Chú ta chẳng
buồn lâu như đã nói. Chú lại thích loăng quăng. Chú có thể nghịch với một
chiếc dép cùn vứt nơi xó nhà suốt buổi. Chú lân la tới chỗ các cô, cậu gà
đang ăn trong sân. Chú ngửi mấy hạt ngô, hạt thóc, ý chừng cũng muốn
nếm xem có gì hấp dẫn mà bọn hai chân không tay này khoái ăn thế.
Nhưng chú thất vọng. Tức mình, chú mới quát lên mấy tiếng ra oai nghe
“nhách! nhách!” rất buồn cười. Tuy vậy, lũ gà cũng nhớn nhác lảng ra,
khiến chú vội vẫy đuôi làm lành. Chú làm vậy là thừa vì bọn gà sau một
thoáng đã lại sán vào bữa cỗ của chúng mà thi nhau mổ lấy, mổ để. Từ đấy,
chúng phớt lờ những tiếng quát của Mực ta. Ngay cả khi chú giả bộ nổi
hung nhảy chồm vào một con gà nào thì nó cũng chỉ né tránh tí chút rồi lại
xông vào cuộc ăn, như không hề biết có chú. Trong bọn gà có lão trống
gộc. Lão này to kềnh càng, bước đi khệnh khạng, chỉ nhìn thiên hạ bằng
một bên mắt. Lão đội trên đầu một cái mũ đỏ gay và khoác trên mình một
cái áo rườm rà, sặc sỡ. Một lần, Mực mon men đến gần Trống Gộc để
ngắm bộ cánh kì lạ nọ; hoặc giả chú cũng định làm quen chăng ? Nhưng
không may cho chú, lúc đó lão Gộc đang bận việc riêng. Lão xệ một bên
cánh đưa chân gẩy xành xạch và cong cần cổ, cúi cái đầu dữ tướng, rồi vừa
kêu “ục, ục” trong cổ họng, vừa lượn sát vào mấy mụ gà mái. Lão đâu có
thèm biết đến ý tốt của Mực. Lão bực mình cho là chú đến phá đám bèn bổ
một mỏ vào trán chú nhỏ. Có lẽ vì đau thì ít mà ức thì nhiều, chú bèn la
toáng lên: “Ăng, ăng, sao lại đánh tôi? Ăng, ăng, sao mà ác thế!”. Mấy mụ
gà mái thấy vậy bèn tản đi mất. Lão Gộc trơ ra một mình, nghểnh đầu, ấm
ức trong cổ: “Tức! tức!” Lão rất vô tâm, lão chỉ hơi lé mắt nhìn thằng nhỏ
đang la, lúc lắc đầu ngạc nhiên không hiểu vì sao mà thằng bé làm om sòm
lên như vậy, rồi thản nhiên vỗ cánh, gân cổ lên ca một bài: “Cô cồ cô… ô…
ô… Đời thật là vui…!”. Xong, lão nghiêng nghé xem có ai tán thưởng