MỘT CHUYẾN PHIÊU LƯU CỦA BÉ VÀ CHÚ MỰC - Trang 7

không. Chẳng có ai cả. Thế mà lão cũng cứ ưỡn ngực bước đi rất điệu. Từ
đó Mực cạch, không thèm làm thân với cái lão nghênh ngang, tự phụ ấy
nữa.
Nhưng mà, không có bạn chơi thì chán chết. Vậy là chú tìm được một
bạn vào loại đặc biệt. Đó là chú mèo mướp con. Tuổi nhỏ chẳng bao giờ
biết thù hằn, dù đó là mối thù truyền kiếp. Ấy vậy nên Mướp ta chịu chơi
và dám chơi với Mực ta. Hai đứa có lúc vờn nô nhau, đùa rỡn nhau rất ngộ.
Đành rằng kiểu nô rỡn của mèo con không ồn ào như của chó con, nhưng
bụng dạ trẻ nhỏ vốn rộng rãi. Phiền một nỗi, càng lớn thêm thì sự khác biệt
giữa chúng càng khó có thể dung hoà. Mướp ta thì hầu như nằm lim dim
ngủ suốt ngày. Mực ta thì không thế, ban ngày thảng hoặc có nằm thì cũng
chỉ là để nghỉ ngơi tí chút khi rảnh rỗi. Mực không thương được cách nằm
của Mướp. Thằng cha bạ đâu cũng nằm được! Thậm chí trên đôi gối trắng
bong của cặp vợ chồng sắp cưới. Thậm chí trên cả bàn thờ nhà người ta. Hễ
nơi nào êm êm và kín kín một chút là hắn trèo lên và ren rén nằm ệp ngay
xuống. Mực thì thường nằm vào nơi quen thuộc và trước khi nằm bao giờ
cũng bước vần quanh mấy vòng rồi mới đặt mình một cách ý tứ. Mướp
ghét Mực cái tính mà chú cho là bắng nhắng, có nghĩa là đánh hơi thấy gì lạ
là kêu tướng lên: “Đâu? Đâu? Xem mau!”. Mướp không biết như thế là
Mực đang làm nhiệm vụ. Cho nên Mực có lí do để ghét Mướp lười. Thực
ra thì Mướp làm việc về đêm, vào những giờ mà lũ giặc chuột công khai
phá phách. Trong khi Mực đi tuần ngoài sân, ngoài vườn thì Mướp sục
trong nhà, trong bếp. Công bằng mà nói thì Mướp có nhàn hơn Mực thật, vì
Mực canh phòng suốt ngày đêm và chẳng bao giờ rời nhà chủ mà rong chơi
nhà hàng xóm như Mướp. Mỗi loài vật được nuôi trong nhà đều có phận sự
riêng vì người. Mực chẳng ganh tị gì với Mướp. Nhưng thực tình Mực thấy
loài mèo chẳng đàng hoàng chút nào. Chúng không chịu mang tên riêng
người đặt cho. Đố ai gọi “Mướp! Mướp!” mà thằng Mướp ấy chịu đến. Chỉ
có nhại “meo, meo” thì may ra. Cũng đố ai dạy được lũ mèo đừng ăn vụng.
Về tính xấu này, con người nhiều khi xếp chó và mèo vào cùng một duộc
nên mới có câu “chó treo, mèo đậy”. Thật không công bằng! Như Mực đây
đã được luyện chỉ ăn những gì và khi nào mà chủ cho phép. Mực và Mướp

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.