Ở các địa phương và những nơi đô thị như Hà Nội, Hải Phòng, người
bên nọ bắt người bên kia. Có người giữa ban ngày đang đi giữa đường bị
mấy người ở đâu đến lấy mền trùm đầu rồi bắt đi mất tích. sở công an, Việt
Minh bắt những người Việt Nam quốc dân đảng hay những người bị tình
nghi vào tra tấn cực hình, có khi họ dùng những cách tàn nhẫn ghê gớm
hơn thời Pháp và Nhật cai trị. Ai trông thấy những cảnh tượng ấy cũng bùi
ngùi tủi giận vì gà một nhà mà lại đá nhau dữ bằng mấy gà lạ. Người một
nước với nhau mà đối xử vô nhân đạo như thế, thật là thê thảm.
Theo chính sách của Việt Minh, lập ra một chính phủ, đem những người
các đảng phái hay không đảng phái vào làm bộ trưởng là cốt làm cái bình
phong che mắt người ngoài, chứ không có thực quyền làm được việc gì cả.
Khi tôi còn ở Hà Nội, cụ Huỳnh Thúc Kháng ra nhận chức bộ trưởng bộ
nội vụ, có đến thăm tôi. Ngồi nói chuyện, tôi hỏi: "Cụ nay đứng đầu một bộ
rất quan trọng trong chính phủ, chắc là bận việc lắm". Cụ Huỳnh nói: "Bây
giờ việc gì cũng do địa phương tự trị cả, thành ra không có việc gì mấy, và
khi có việc gì, thì họ làm sẵn xong cả rồi, tôi chỉ có vài chữ ký mà thôi".
„Những khi có hội đồng chính phủ thì bàn định những gì?“
„Cũng chưa thấy có việc gì, thường thì họ đem những việc họ đã làm rồi
nói cho chúng tôi biết.“
Xem như thế thì các ông bộ trưởng chỉ đứng để làm vị mà thôi, chứ
không có quyền quyết định gì cả.
Có người hỏi ông Nguyễn Tường Tam rằng: "Khi ông nhận chức bộ
trưởng bộ ngoại giao của cụ Hồ giữ trước, ông thấy có việc gì quan trọng
lắm không?" Ông trả lời: "Tất cả giấy má trong bộ ngoại giao của cụ Hồ
giao lại cho tôi, tôi chỉ thấy có ba lá đơn của mấy người sĩ quan Tàu nhờ
tìm cho mấy cái nhà, và tìm cái ví đựng tiền bị kẻ cắp lấy mất".