- Tôi đã được biết điều đó, cũng như tôi đã biết rằng thị dân Ragz rất
hãnh diện về sự thuần khiết của thị trấn mình.
Vả lại người Hung – mà thỉnh thoảng có người lầm với người Hung Nô –
làm nên tinh thần đoàn kết chính trị vững bền nhất, về phương diện này
nước Hungary cao hơn nước Áo.
- Còn người Slave? tôi hỏi.
- Người Slave không đông đảo bằng người Hung thưa ông Vidal, nhưng
họ đông hơn người Đức nhiều.
- Vậy trong vương quốc Hungary người ta coi họ như thế nào?
- Tệ lắm, tôi phải thú nhận điều này, nhất là trong dân chúng Hung, vì rõ
ràng những người gốc Teuton sống chung với chúng tôi như những người
bị đày lưu vong khỏi tổ quốc của họ.
Đại uý Haralan có vẻ không cảm tình nhiều với người Áo. Còn về người
Đức thì đã từ lâu vẫn có mối ác cảm giữa họ với người Hung. Mối ác cảm
này biểu lộ bằng trăm nghìn hình thức, và đã có nhiều câu tục ngữ phát
biểu điều này một cách khá tàn nhẫn.
“Eb a német Kutya nélkül” có nghĩa là “Ở đâu có một người Đức, ở đấy
có một con chó”.
Loại trừ cái thái quá trong một số câu châm ngôn, câu này ít nhất cũng
biểu lộ mối thông cảm ít ỏi giữa hai dân tộc.
Thành Ragz được kiến trúc khá đồng đều, trừ phần thấp ở ven sông.
Những khu cao được xây thẳng tắp trông như những bức vẽ hình học.
Theo bờ “ke” và theo đường Étienne I, đại uý Haralan đưa tôi đến chợ
Coloman đúng lúc chợ đông.
Chợ Coloman bày bán rất nhiều sản phẩm địa phương. Tôi ngắm nhìn
thoải mái người nông dân địa phương ăn mặc theo lối cổ truyền. Họ còn
giữ được tính chất rất thuần tuý của dòng giống mình. Cái đầu cứng cáp,
chiếc mũ tẹt, đôi mắt tròn, bộ râu quặp. Họ thường đội chiếc mũ rộng vành