khiêm nhường lắm. Lại chẳng biết đòi trả công gì. Chị Yên có biết, Lỗ Tấn
nói thế nào về chữ và sách không? Khi con người sinh ra chữ thì quỷ thần
trong núi than khóc! Chữ là cái gì mà quỷ thần cũng sợ thế!
- Anh Toàn nói hay quá! Anh Toàn dạy học chắc được học sinh yêu quý
lắm nhỉ?
- Cái chính là tôi yêu quý các em, tôi thương các em học sinh của tôi
lắm, chị Yên ạ. Chúng còn rất nghèo, nhưng rất thông minh, ham học. Kể
chị nghe: Có một em tên là Trương Công Phiêu. Quêở Nam Định. Bố chết
sớm. Mẹ đi lấy chồng. Mười hai tuổi, Phiêu đã trôi dạt lên tỉnh Hoàng Liên
ta. Từ đó, tự kiếm sống bằng việc kiếm củi, bán sức làm thuê bất cứ việc gì
và theo học mà học rất giỏi. Toàn đứng đầu lớp. Vừa rồi, sắp thi tốt nghiệp
thì tòng quân. Chia tay, tôi ôm em mà ứa nước mắt. Cả một đời, em đã có
ngày nào được sung sướng! Thế mà em lại động viên tôi: Thầy đừng khóc.
Em sẽ trở về. Em sẽ trở thành một người có ích cho xã hội! Dạy những học
trò như thế, hỏi làm sao tôi không gắng sức?
Hai người đi bên bờ con suối lớn. Toàn đi trước. Yên theo sau. Lưng
người nào cũng thắt một bao dao đi rừng. Hôm nay là ngày chủ nhật, mọi
người trong cơ quan đều phải đi rừng lấy củi về đóng góp cho nhà bếp. Lẽ
ra thì Toàn đi cùng tốp các ông trợ lý. Nhưng, ông Quyết Định hẹn Toàn
sang nhà ông ăn sáng rồi cùng đi. Bất ngờ, sắp ăn sáng thì có điện thoại mời
ông đến dự lễ khánh thành phân xưởng nước chấm làm từ đậu tương - một
khâu trong vòng tròn khép kín của chương trình cây đậu tương tăng vụ ở
vùng cao của chính ông - thế là dự định không thành. Toàn ăn cơm rang với
ông Quyết Định và Yên xong, thì Yên chít cái khăn lụa đỏ, như làm đỏm,
nhí nhảnh từ bếp bước ra: “Để Yên đi lấy củi thay anh Quyết Định!”. Yên
là kế toán viên ở Ty Lương thực. Ông Quyết Định cười: “Tốt rồi! Tuần tới
tôi sẽ đổi công: lấy chuối lợn!”.
Nắng đầu đông hoe hoe trên các đỉnh núi. Nước suối bốc hơi mờ mờ. Cỏ
bên đường mòn ướt đẫm. Mạng nhện giăng màn long lanh sương đêm trên