Bữa cháo cóc đêm ấy do chính ông Đồng khởi xướng diễn ra rất vui vẻ.
Lại như mọi khi, ông Đồng, nhà thiết kế, thi công bữa tiệc, chỉ ăn có lưng
bát gọi là. Thì trước nay về đường ăn uống ông vốn chẳng đã rất nhanh, rất
hào là gì! Tuy vậy, để ý kỹ, Toàn có nhận xét, hôm nay ở ông có dấu hiệu
uể oải hơi khác thường. Toàn cũng chỉ ăn có già lưng bát. Ông Bình và ông
Duyễn đánh thẳng căng mỗi người ba bát. Đích ăn nhỏ nhẻ như con gái. Vét
nồi là Kiến và ông Căn. Ông Căn bảo, bệnh từ ngoài miệng chui vào, vạ từ
miệng chui ra, như các cụ xưa đã từng dạy là khẩu năng chiêu họa đấy, các
cậu non người trẻ dạ liễu liệu. Còn tớ, sắp về hưu rồi, có vạ miệng, có ngộ
độc chết cũng là xong một đời, tớ cóc s
Chiếu tổ tôm rải ra sau bữa cháo cóc diễn ra thật hào hứng kéo dài một
lèo, tới lúc mọi người đứng dậy về nghỉ, nói là lấy sức để mai đi làm thì đã
hai giờ sáng.
Năm giờ, kẻng khua lộng. Nhập nhoạng sáng tối. Lần mò theo các lối
mòn, ra được tới bờ ngòi thì trời tang tảng. Qua ngòi, đạp một mạch bảy
cây số, tới chân dải đồi đất Nhạc Sơn thì sáng rõ mặt người. Đã được phân
chia, nhận phần đất trên sơ đồ, cán bộ nhân viên O Tròn lập tức leo núi, tìm
lô đất số 5 ở lưng chừng dốc, cạnh túp lều bạt của ban chỉ huy, cũng là nơi
tập kết mấy chục nghìn cây vải mới chở từ Hải Dương lên tối qua. Thấy
đống cành vải chiết vứt ngổn ngang ngoài trời, ông Đồng bước tới, bẻ tách
một nhánh nhỏ, đưa cho Toàn xem, lắc đầu, không nói gì.
Đứng ở lưng dải đồi đất này, nhìn ngước lên, nhìn xuôi xuống mới thấy
hết quy mô của công cuộc. Quả đồi cao chừng hơn hai trăm mét. Chia vạch
thành mười tầng. Mỗi tầng kéo dài gần cây số, được phân thành nhiều lô.
Mỗi lô được giao cho một đơn vị, một cơ quan. Không thể biết chính xác
được bao nhiêu người tham gia, nhưng nhìn lên nhìn xuống thấy các tầng
san sát nhau nhung nhúc đầu người với nón mũ đủ loại. Và sáng bửng, ngó
xuống chân triền núi vẫn còn thấy học sinh, thiếu nhi nổi trống cà rùng ùn
ùn kéo lên như mối đùn. Trên dải đường nhựa kẻ một vệt thẳng dưới chân