“Lên đi con, cái nào thì cũng đến quảng trường San Marco thôi.”
Thuyền chạy từ bến nước ra ngoài Lagoon. Từ đây, tôi có thể nhìn vào Venice và những
công trình kiến trúc của nó – Byzantine, Gothic, Phục hưng… Tất cả đều tuyệt vời nhưng
rất nhiều trong chúng chỉ còn là những xác nhà đóng kín và đang được UNESCO bảo quản
như di sản văn hóa thế giới. “Di sản” – đấy là một từ chính xác nữa để mô tả Venice. Một
thời carnival, các lễ hội hóa trang, những bữa tiệc và hòa nhạc không ngừng giờ chỉ còn lưu
dấu ở những chiếc mặt nạ bày bán quanh quảng trường và dọc các con đường của Venice;
các ngôi nhà, phòng hoà nhạc từng ngập các ông chúa bà hoàng giờ chỉ còn là những hành
lang mục nát, tường gạch nham nhở, nước lên ngập tầng một vào mỗi trận lụt, khiến cho
rêu rong nấm mốc loang lổ.
Venice đẹp, Venice lạ, nhưng không thể ở đây mà không ý thức về sự lụi tàn. Phải, tiệc
vui mấy cũng có lúc tàn và bữa tiệc Venice có lẽ đã tàn từ thế kỷ XIX. Tôi cũng như mười
hai triệu khách du lịch đến đây mỗi năm chỉ như những khán giả đến nhìn những gì còn
vương vãi từ bữa tiệc đó và cố hình dung về bữa tiệc.
Dù thế, không thể không ngả mũ kính phục người Ý. Họ muốn xây một thành phổ nổi
trên mặt nước, vậy là họ xây một thành phố nổi trên mặt nước. Họ muốn một thành phố
như một đại tiệc không dứt, và họ đã có một thành phố là một đại tiệc không dứt. Cái đến
sau là việc của cái đến sau. Sự lụi tàn trong tương lai không thể là điều ngăn trở sự sản sinh
trong hiện tại. Có lẽ tôi và Sơn nên chia tay.”