Trong cuốn sách Cú đánh thức tỉnh trí sáng tạo, tiến sĩ Roger von Oech đã
viết rất sâu sắc:
Tôi đã tư vấn cho ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình, ngành công
nghiệp quảng cáo, những nhóm nghiên cứu công nghệ cao, những nhóm
marketing, những nhóm phát triển trí tuệ nhân tạo, và những phòng ban
nghệ thuật. Tôi nhận thấy một điểm chung là lĩnh vực văn hóa nào cũng cho
rằng mình là sáng tạo nhất, và thành viên của họ có thuốc tiên đặc biệt cho
ý tưởng mới. Tôi thấy rất hay; tinh thần tập thể giúp tạo nên một môi trường
làm việc tốt. Nhưng tôi cũng cảm thấy mấy anh truyền hình có thể học rất
nhiều từ các anh phần mềm, và mấy anh bên nghiên cứu và phát triển thị
trường có thể học lỏm một vài ý tưởng bên quảng cáo. Mọi nền văn hóa,
mọi lĩnh vực, mọi môn học, mọi ban ngành và tổ chức đều có cách riêng để
đối mặt với khó khăn. Họ có hình ảnh ẩn dụ riêng, hình mẫu riêng và
phương pháp luận riêng. Nhưng những ý tưởng tuyệt vời nhất thường tới
bằng cách đi xuyên qua những rào cản kỷ cương và tìm đến những lĩnh vực
khác để học hỏi ý tưởng mới và vấn đề mới. Mọi tiến bộ vượt bậc trong
nghệ thuật, kinh doanh, công nghệ và khoa học đều ra đời từ sự nhân giống
chéo của ý tưởng. Và để đưa ra một hệ quả tất yếu, không gì khiến cho một
lĩnh vực dậm chân tại chỗ hơn là bỏ qua những ý tưởng từ bên ngoài.
Máy đúc tiền và máy ép rượu đã có mặt và được sử dụng hàng thế kỷ cho
đến khi Johannes Gutenberg nhìn ra được mối liên quan giữa chúng và phát
minh ra máy in.
James J. Ritty tìm cách ghi lại tiền thu trong nhà hàng của mình để ngăn
chặn sự biển thủ của nhân viên. Trên một chuyến tàu hơi nước vượt Đại
Tây Dương, ông đã nhìn thấy một thiết bị đếm và ghi lại vòng quay của
chân vịt tàu thủy. Ông áp dụng nguyên tắc này để thiết kế ngăn kéo thu tiền
đầu tiên trên thế giới.