“Qua đó tôi nhận ra rằng khi đối mặt với một vấn đề, đa số tìm kiếm một
đáp án duy nhất vì họ được dạy như vậy. Khi còn đi học, họ phải trả lời các
câu hỏi trắc nghiệm chỉ có duy nhất một đáp án. Và vì vậy họ cho là mọi
câu hỏi hay vấn đề đều như vậy. Rồi khi họ không thể tìm được giải pháp
hoàn hảo thì họ bỏ cuộc.”
“Nhưng phần lớn các vấn đề không giống câu hỏi thi trong trường học.
Những vấn đề này có nhiều giải pháp khác nhau. Và ngay khi tôi buộc sinh
viên của mình nhận ra điều đó, họ nhìn thấy ngay giải pháp.”
Bạn thấy rồi chứ? Khi sinh viên của ông ấy nhận ra rằng có nhiều giải pháp
cho một vấn đề thì họ tìm thấy ngay được những giải pháp đó.
“Nếu bạn luôn nghĩ những gì mình phải làm là dễ dàng thì mọi chuyện sẽ
dễ dàng thôi.” Émile Coué nói.
Khi bạn không chắc đáp án có tồn tại hay không, thì việc tìm ra đáp án có
thể rất khó khăn. Khi bạn biết rằng có rất nhiều đáp án thì tìm ra một hay
hai đáp án chẳng khó khăn gì.
Tiến sĩ Norbert Wiener cũng nhận thấy điều này: “Một khi nhà khoa học
tiếp cận một vấn đề mà ông ta biết là có giải pháp thì thái độ của ông ta
khác hẳn. Và như vậy ông ta đã đi được nửa quãng đường tới giải pháp rồi.”
Arthur Koestler đồng tình: “Chỉ cần nhận thức rằng khó khăn có thể xử lý
được là bạn đã thắng được nửa trận đấu rồi.”
Đó là một trong những lý do mà một số người luôn tìm thấy ý tưởng. Họ
biết là ý tưởng luôn ở xung quanh.
Một hôm tôi đang làm việc ở văn phòng với Larry Corby, họa sĩ cuốn sách
này, để thiết kế một quảng cáo truyền hình cho một món đồ chơi trẻ em.
“Đóng cửa lại,” anh nói.