Tuy vậy, Duyệt cũng là một tay hay lý sự. Vượt qua bức tường tú tài
toàn phần và đã bước sang năm thứ hai khoa luật, đầu óc Duyệt chất chứa
không phải là ít thứ văn chương Đông - Tây, kim cổ và một mớ triết học từ
Khổng đến Lão, đến Kant, Giăng Pôn - xác trộn lẫn cùng với thuyết duy
tâm của Hê-ghen và cả chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác - Ăng-ghen
đọc qua bản tiếng Pháp hoặc đã biến dạng vào các bài giảng của ông thầy
dạy. Bỏ thành phố, Duyệt đem vào cuộc đời người lính cầm súng vốn tri
thức có được trên học đường và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ Huế những
năm sôi động.
Ngày còn ở trung đội trinh sát tiểu đoàn, Duyệt hay tranh luận với một
số chàng trinh sát trẻ, phần đông vừa tốt nghiệp cấp II, cấp III ở các trường
miền Bắc. Duyệt thì bảo truyện Kiều của cụ Nguyễn Du không thể nào
sánh nổi thơ Nguyễn Công Trứ. Theo Duyệt, đấy mới là đỉnh cao của văn
học cổ điển Việt Nam. Duyệt lý giải rằng thơ Nguyễn Công Trứ có sức
mạnh phản kháng. Còn cụ Nguyễn Du thơ là nước mắt. Các bạn trẻ tiếp
nhận truyện Kiều qua lớp học lợp tranh, bàn ghế đặt trên nền đất ẩm ướt
đào nửa chìm nửa nổi trên mặt đất, núp dưới bóng tre để tránh máy bay Mỹ
oanh tạc lại ra sức khẳng định rằng truyện Kiều là hay nhất, rằng Nguyễn
Du đã tạc vào xã hội phong kiến Việt Nam hình ảnh người Việt Nam bi
thương, phẫn uất... Cuộc tranh cãi rầm rộ. Mỗi bên đều đưa ra nhiều luận
thuyết có sức thuyết phục, viện đến cả Mác, cả Kant, cả Hêghen...
Các mẹ, các chị nhìn mấy chú giải phóng cãi nhau chỉ cười. Các cô gái
đứng thập thò trong bếp dỏng tai nghe thầm khen các anh giỏi, và thoáng
đỏ mặt. Có một lần ông Bậu đến ngồi nghe cánh lính trinh sát cãi nhau.
Tiểu đoàn trưởng khẽ nhăn mặt:
- Cãi nhau cái cục cứt. Nguyễn Du cũng giỏi, Nguyễn Công Trứ cũng
tài... Bà Hồ Xuân Hương càng tài nữa. Không tài không giỏi răng văn thơ
mấy ông ấy, bà ấy còn lại tới ngày nay cho tụi bây cãi. Tao coi thử tụi bây,
đứa mô ngày sau còn sống, viết được sách về những thằng lính giải phóng