một chàng trai mười tám đôi mươi khờ khạo và thiếu nhạy cảm với những
cái nhìn đưa đón của các cô. Anh chỉ quan tâm có một điều duy nhất: chuẩn
bị cho những trận chiến đấu ác liệt, anh nghĩ vậy. Số phận của con người
từng giờ từng phút đùa giỡn với cái chết. Qua từng trận đánh Hồng đã trở
thành một người lính từng trải, dày dạn chiến tranh. Anh chấp nhận sự hy
sinh. Không hoảng sợ và rất tỉnh táo đề phòng nếu thấy rằng sự hy sinh là
không cần thiết. Đạn biết tránh người chăng? Lớn nhỏ Hồng đã tham gia
trên bốn chục trận. Anh chỉ mới bị thương nhẹ một lần vào bắp đùi, mảnh
cối 61 của địch bắn phản kích ở thành phố Huế mùa Xuân 1968. Trong khi
các lớp chiến sĩ kế tiếp nhau ngã xuống tô thắm lá cờ chiến công của tiểu
đoàn. Hồng được tặng thưởng hai Huân chương chiến công. Một trận
chống càn ở Dưỡng Mông, anh đã bắn cháy một xe tăng, một trận nữa, anh
đã bắn chìm tàu chiến trên sông Hương. Anh cứ bình thản diễu qua diễu lại
trước cái chết. Bom ném Vân Dương khẩu ĐKZ gãy nòng, cả tiểu đội hy
sinh bốn, bị thương hai, Hồng chui lên từ trong đất thấm máu những người
bạn và chỉ kịp lượm khẩu AK gãy báng nhả đạn vào bóng áo lính mặc đồ
rằn ri theo xe tăng đang tràn lên chiếm làng. Sau đợt hai Mậu Thân 1968,
trung đội hỏa lực ĐKZ còn lại vừa đúng năm người, cả đại đội hơn ba chục
tay súng đưa nhau vượt phá Tam Giang ngược lên xanh.
Yêu đương làm gì cho thêm bận bịu, nặng gánh! Mong sao mình đừng
trở thành một kẻ hèn kém, hoàn thành nhiệm vụ và còn sống để có một
ngày được trở về nhìn lại quê hương. Hồng chỉ mong có thế, cố giữ như thế
và ngấm ngầm thực hiện một lối sống "phi tình yêu", trước sự tán tỉnh của
các cô gái và sự trêu chọc của bạn bè.
Cho đến lúc gặp Thùy, sự cố gắng ấy đã sụp đổ.
Ấy là một buổi chiều, ban chỉ huy đại đội 3 được huyện ủy mời sang
họp. Anh Để, đại đội trưởng sốt, chỉ có một mình Hồng đi cùng cậu liên
lạc. Ông Thọ yêu cầu bộ đội hỗ trợ cho địa phương một trung đội đi diệt ác
phá kìm ở thôn Phú Ổ. Hồng hơi ngạc nhiên khi đồng chí bí thư huyện ủy