Trương Hiền Lượng
Một nửa đàn ông là đàn bà
Dịch giả: Phan Văn Các & Trịnh Trung Hiếu
PHẦN THỨ NHẤT - Chương Một
Có thể trước kia tôi có gặp cô ta mà không để ý, cũng có thể tôi chưa
từng gặp cô ta bao giờ. Dẫu sao lần này cô ta đã để lại cho tôi một ấn tượng
vô cùng sâu sắc.
Hai tháng trước, tôi được điều khỏI tổ lớn đi chăm sóc cánh đồng lúa nước.
Ở đội lao động cải tạo, tôi là tổ trưởng tổ lớn, điều đến tổ chăm sóc ruộng
đồng, tôi vẫn làm tổ trưởng. Đội trưởng Vương, người điều tôi ra đây, là
một cán bộ vùng này, một ông già nhỏ thó xuất thân nông dân, ngồi hút
thuốc cuốn sâu kèn bảo tôi: - Điều mày ra làm đội trưởng, là lãnh đạo tín
nhiệm mày. Chà! Mười hai thằng này khó quản lắm! Thằng nào cũng làm
giỏi, nhưng thằng nào cũng lắm khuyết tật. Đồ đĩ đực ạ, mày mà quản được
mườI hai thằng cha này, ra trại sẽ làm giám đốc nhà máy quản được hàng
trăm hàng nghìn người đấy .
Lúc đó ông ta ngồi xổm trên đập con mương nhánh cao cao, còn tôi thì vừa
từ cửa mương tưới đã dẫn đầy nước bước lên, chân đất, đứng trước mặt
ông. Ông hình như còn định nói gì nhưng lại thôi,chỉ lặng lẽ hút thuốc suy
nghĩ đăm chiêu. Vẻ trầm tư hiện rõ trên khuôn mặt nhỏ gầy khô đầy nếp
nhăn. Dĩ nhiên tôi không biết ông ta nghĩ gì, chỉ biết rằng bất cứ anh cán bộ
lao động cải tạo nào cũng đều chưng ra vẻ mặt ấy, khi chỉ có một mình giao
nhiệm vụ đặc biệt cho một phạm nhân lao cải ( lao động cải tạo ) nào đó.
Vẻ trầm tư thể hiện sự nghiêm nghị, mà sự nghiêm nghị lại chứng tỏ rằng
giữa ông ta và anh có một ranh giới không được vượt qua. Vẻ mặt ấy còn
chứng tỏ sự bố trí sắp xếp của ông ta là thận trọng, đã được cân nhắc kỹ
càng, tớI mức đã mở xem hồ sơ của anh và được một tập thể cấp cao hơn
thảo luận và quyết định rồi, đồng thờI cũng nói lên tầm quan trọng của
nhiệm vụ được giao phó. Cán bộ trình độ văn hoá thấp nói năng kém cỏi,
thường dùng vẻ trầm mặc để buộc anh không được coi thường cách nói