mong có vật gì.
Một chú chim khách lông ức trắng như bông, hót ríu rít trên đầu chúng tôi,
cái đầu tí hon xinh xắn hết nghiêng bên nọ lại nghẹo bên kia nhìn chúng
tôi, tôi có cảm giác nó là một nhà động vật học, đang chăm chú quan sát
nghiên cứu hai động vật nằm dưới này.
- Hình như chúng mình có tin mừng đấy - Giọng cô như lạnh lùng. Im lặng
một lát cô lại hỏi - Tối nào anh cũng viết cái gì vậy?
- Có gì đâu.
- Nhật ký phải không?
- Phải.
- Cuộc đời này của chúng mình thì có cái gì mà phải ghi, ngày nào chẳng
như ngày nào. Thế mà em thấy anh ngày nào cũng viết đến mấy tờ to.
Tôi đẩy cô ra và ngồi dậy:
- Hương Cửu này, anh bảo cho em biết, không được nói với bất cứ ai rằng
anh đang viết lách gì đâu nhé, không được hé răng để lộ một tí gì. Em hiểu
không?
Cô ngồi trong lùm cỏ, khẽ nghiêng mình, vém lại mớ tóc lòa xòa bằng một
động tác hết sức duyên dáng:
- Em hiểu! Tm chưa hề nói với ai bao giờ. Cơ mà, anh bỏ bớt những điều lo
nghĩ vớ va vớ vẩn ấy đi có hơn không? Anh hơi đâu mà nghĩ đến “ pháp
quyền tư sản ” với chả “ pháp quyền vô sản ”! Pháp quyền tư sản thì liên
quan gì tới chúng mình?
- Em đã đọc những cái anh viết rồi ư?
- Chưa đâu. Mà em đọc cũng chẳng hiểu, chỉ mới đọc được mỗi câu “ pháp
quyền của giai cấp tư sản cao hơn của phong kiến ”, gì gì ấy.
- Đọc không hiểu thì bận sau đừng đọc nữa! – Tôi đứng dậy – Thôi, chúng
mình mặc quần áo vào đi. Hết mưa rồi đấy.
Chúng tôi dắt ngựa chui ra khỏi rừng. Sau một cơn mưa rào, bầu trời trong
sáng lạ thường. Đằng tây đã hiện ra một vạt nắng vàng óng, nổi bật trên nền
mây màu chì và trên những đỉnh núi xanh sẫm. Chàng Câm dở khôn dở dại
đã lùa ngựa lên bãi từ bao giờ.
- Mẹ kiếp! – Tôi cỡi lên con Xám – Vừa mưa xuống xong cho ngựa ăn cỏ