- Tiền đâu ra?
- Em có đấy! – Cô cười hì hì.
- Thôi đi – Tôi không muốn làm cô khó nghĩ – Không có con vẫn hơn.
- Sao vậy anh? – Cô níu lấy vai tôi hỏi – Anh vẫn nghĩ cách không sống với
em nữa chứ gì! Không có con cái càng đỡ vướng víu chứ gì?
Tôi im lặng không đáp. Đôi mắt đen láy của cô lo lắng dò tìm ý tứ trong
mắt tôi. Nhưng tôi không thể nhắm mắt lại. Trong rừng cảnh tranh tối,
tranh sáng dường như đã xua tan phần nào, tựa như một cốc nước trà pha
loãng. Tôi nghe thấy tiếng chim vỗ cánh. Tôi đã nghe thấy tiếng chim hót
vang mà chỉ có giữa khoảng trời bao la mới vang được như thế. Có lẽ trời
đã tạnh hẳn.
- Chúng mình sống trong một thời buổi thật gian nan – Tôi bảo cô – Tôi
không thể nào làm tròn được trách nhiệm của một người bố, dù là con mình
đẻ ra hay là con nuôi xin được. Một gia đình đang yên lành êm ấm, thế mà
bỗng dưng một đêm vợ con tan tác, làm đến nguyên soái rồi cũng không
chắc thoát khỏi cảnh đó, nhưng tình cảnh như vậy tôi đã chứng kiến quá
nhiều rồi – Tôi nắm lấy bàn tay nhỏ bé ấm áp của cô – Hương Cửu ạ, bây
giờ chẳng phải thời buổi có thể giữ riêng cái tổ ấm nhỏ nhoi của mình như
lũ kiến kia được đâu.
- Tại sao? – Cô vẫn nằm sấp, hai bàn tay đỡ lấy cằm, hai bàn chân co lên
khua khoắn trên không – Anh bao giờ cũng nghĩ khác người ta! Thời buổi
gian nan thì cứ mặc nó gian nan chứ! Chúng mình kém người ta cái gì nào?
Mặc không bằng người ư? Ăn không bằng người ư? Đến chàng Câm còn
nuôi được cả đàn con kia thôi! Chúng mình không nuôi nổi một đứa sao,
em không tin?
- Vấn đề chẳng phải nuôi nổi hay không nuôi nổi. Mà vấn đề là bản thân tôi
có bền vững được không? Ai mà biết được đến một lúc nào đó, người ta lại
phát động một phong trào đấu tố gì đấy, tôi lại bị tóm vào tù.
- Người ta tóm cổ anh vào, thì mẹ con em chờ anh ra.
Tôi bất giác phì cười:
- Ấy chết! Cô chớ nên quên rằng, cô cũng vừa mới ra khỏi đấy thôi! Thôi
được, chúng mình đừng tranh luận nữa, bao giờ có thể có con, tôi sẽ bảo cô