<< Mày về đi >> tức là bảo tôi về trại của đội lao cải, chứ không phải về
một nơi nào khác. Điều ấy tôi biết.Tôi cầm mẩu cuộn thuốc của ông, cấu
phần đuôi ông đã ngậm ướt, nhưng vừa cấu thì cả mẩu thuốc rã ra. Mẹ kiếp
kỹ thuật cuốn thuốc của ông thua tôi. Có điều chẳng sao cả, tôi cũng có
thuốc. Đội lao cải hàng tháng có phát được mấy đồng tiêu vặt, và cũng có
thuốc để mua, bây giờ không như năm 60 nữa rồi. Tôi rút hộp kim tiêm
bằng nhôm nhặt được ở đống rác bên cạnh trạm xá ra, cẩn thận đổ dúm lá
thuốc của ông ta vào trong, rồi lấy trong chiếc hộp kim tiêm rất giống hộp
đựng thuốc bằng bạc này ra một điếu thuốc nguyên vẹn, châm lửa hút: <<
về thôi >>
Tin tức ông để lộ cho tôi qua vẻ trầm mặc kéo dài ấy, còn nhiều hơn những
gì ông nói ra. Cái hỗn loạn ở ngoài, sự biến đổi vũ bão của lịch sử, có lẽ
chính ông ta cũng không nói được cho rõ ràng. Ông ta không nói, chứng tỏ
rằng, loạn đến mức ông chẳng có cách nào nói cho được; ông ta không nói,
chứng tỏ rằng, biến động đến mức khiến ông mắt trợn trừng miệng ớ ra rồi.
Điều ấy không hề gì, tôi có thể tưởng tượng ra được. Tất thảy tù nhân lao
cải đều là người theo chủ nghĩa Hê-Ghen: có thể từ << không >> làm
thành<< có >> ngay. Trên thế giới này hoàn toàn không thể tồn tại không
gian và thời gian trống rỗng, ở những chỗ thoạt trông tưởng chừng trống
vắng ấy thật ra lại chứa chan niềm hy vọng sống động nhất.
Sự bố trí sắp xếp này của ông ta, đã khiến tôi gặp được cô ấy.