hình thấp trũng, mương tiêu quanh năm đầy nước, mùa đông thì đóng băng,
cho nên nước ở đây lạnh buốt. Hai rìa mương tiêu, lau lách mọc thẳng cao
vút. Đây là những gì còn sót lại của đầm lầy xưa kia. Xuân sang thì ngoài
ruộng, lau lách mọc lên trước tiên thẳng tắp nhọn hoắc như chông. Chúng
hút nhựa sống từ mương tiêu quanh năm không bao giờ khô cạn, lớn lên
như thổi. Khi gieo mạ không dẫn nước vào ruộng, thì chúng đã cao hơn đầu
người. Giờ đây lau lách rậm rạp dầy đặc, gió thổi không lọt, chẳng khác gì
một bức tường xanh biếc.
Bên kia bức tường xanh biếc ấy, tôi nghe có tiếng phụ nữ cười đùa vui vẻ.
Tù đàn bà làm cỏ ở lô ruộng bên cạnh. Họ không cùng ăn với tù đàn ông
trên bờ mương nhánh. Trực nhật của họ gánh cơm phía trên bờ mương tưới
để họ ngồi ăn riêng một chỗ.
Trong coi lô ruộng bên cạnh, là một ông tù già, già nhất trong tổ tôi, đã
ngoài năm mươi tuổi. Đội trưởng Vương bố trí đến là khéo! Ông chịu án
tám năm, hết năm nay thì mãn hạn, ông sẽ chẳng dại gi mà gây chuyện rắc
rối vớ vẩn.
Có người tù đàn bà nào đó cất tiếng hát oang oang:
- Sắp hành sự nốc vào bát rượu, là khắp người dồn máu hăng lên….
Giọng hát khản đặc, khàn khàn, chẳng khác nào một khói sương mù dầy
đặc xám xịt vượt qua bức tường xanh, quay cuồng khắc khoải. Nhưng chỉ
phút chốc, tiếng hát chợt im bặt. Phía trước tôi, trong đám lau lách im lìm,
vọng ra tiếng khỏa nước bì bõm, nghe như có đàn vịt giời đang ríu ran đập
cánh trên mặt nước.
Đúng vịt giời! Loài chim nước mỏ bẹt lông cánh sặc sỡ ấy thường thường
là những bữa tiệc cải thiện của anh em trong tổ coi ruộng chúng tôi. Cơm
của đội lao cải dẫu được ăn no, nhưng rất ít khi có thịt. Bắt vịt giời, bắt cá
trở thành nghề phụ của tổ chúng tôi. Ở ngoài người ta săn vịt giời bằng
súng hoặc đánh lưới, vào đội lao cải thì tài trí thông minh của con người,