Lâm Ngữ Đường
Một Quan Điểm Về Sống Đẹp
Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
PHỤ LỤC 1
(MỘT BÀI TẠP BÚT CỦA LÂM NGỮ ĐƯỜNG)
CÁI MẶT VÀ NỀN PHÁP TRỊ
(…) Theo chỗ chúng tôi quan sát, nếu nước Trung Hoa muốn có nền pháp
trị thật sự bình đẳng thì không gì bằng ai nấy vứt cho mất quách cái mặt đi.
Một khi cái mặt đã mất, nền pháp trị tự nhiên sẽ thực hiện, nước Trung Hoa
tự nhiên sẽ mạnh giàu. Thí dụ như ngồi xe hơi chẳng hạn: theo phép tòa Đô
chính, người thường chỉ được chạy ba mươi lăm dặm một giờ thì ngài Bộ
trưởng phải cho chạy năm, sáu mươi dặm một giờ mới “có mặt”. Muôn một
có đè chết người, cảnh sát có chạy lại thì Ngài Bộ móc ví đưa ra một tấm
danh thiếp rồi ngài ung dung bỏ đi, cái mặt ngài lúc đó phình ra to tướng.
Nhỡ ra gặp thày phú lít, không biết nếp tẻ, cứ giữ Ngài lại, không cho Ngài
đi thì Ngài há miệng ra ngài chửi: “Không biết thằng bố mày à?”, rồi Ngài
bảo tài xế mở máy, một thày phú-lít thật hạt lẩm cẩm cứ bắt giam anh
chàng tài xế của Ngài thì Ngài hầm hầm bỏ đi, gọi máy nói cho me xừ Cẩm
và chỉ nửa giờ sau là chú tài xế được tha về, là thày phú lít lập tức bị bãi
chức, là me xừ Cẩm thân chinh đến Bộ xin lỗi: lúc đó cái mặt ngài Bộ thật
phình to không sao tưởng tượng nổi.
Có điều lắm lúc tôi thấy đi chung xe, chung tàu, chung máy bay với những
con người “có mặt”, là điều khá nguy hiểm, không bằng đi chung xe, chung
tàu, chung máy bay với những con người “không có mặt” lại hóa lợi hơn.
Tỉ dụ năm ngoái, có một ông quyền có cái mặt to quá, không chịu nghe lời
người mãi biện căn dặn, cứ nhất định hưởng cho bằng được cái vinh diệu
hút thuốc lá giữa một căn lầu chất đầy diêm sinh. Người mãi biện sợ ông
quyền hỏi mình “có biết thằng bố mày không” nên chịu nước lép, đành phải
nể nang cái mặt ông quyền. Kết quả? Kết quả về sau con tàu Trường Giang
bốc cháy. Ông quyền cố nhiên giữ vẹn được cái “mặt”, nhưng lại không giữ