TỰA
Chúng ta thích những gì chúng ta thiếu. Khi, vì liên tài, tôi tìm và gặp
được ông QUÁCH-TẤN, lòng tôi vui sướng bao nhiêu ! Ai ngờ rằng cái
thế-kỷ hai mươi nhộn-nhịp với những thi-sĩ dâm-loạn, điên-cuồng, gian-trá,
độc-ác của nó, lại còn giữ nguyên-vẹn, đâu đây, cả một bầu không-khí
Tống, Đường. Thật thế, QUÁCH-TẤN chúng ta có đủ phong-vận của một
tao-ông mặc-khách thời buổi đó.
Và bắt buộc tôi phải nói nhiều đến cái tâm-hồn diễm-lệ của người. Bởi
vì, chỉ trong chốc nữa, chính nó sẽ soi xuống, vào cái mặt giếng trung-
thành của những trang thơ.
Tôi nghĩ ngay – lố-bịch thay là ý tưởng ! – đến một chiếc bình lọc
nước : Chậm-chạp mà vững-vàng, âm-thầm mà mạnh-mẽ, nó sẽ hút chất
nước ngọt-ngào chung-quanh vào trong tinh-khiết của lòng mình, gạn lọc,
chọn lọc. QUÁCH-TẤN là như thế đó. Một sự thu nhận rất đỗi thận-trọng
điều-hòa. Cử-chỉ ít, lặng, nhưng đầy ý nghĩa. Lời nói sưa, nhỏ, nhưng
không thiếu sâu xa. Tóm lại có thể trong mấy chữ : hiểm tuy rằng điềm. Đó
là cái tính của hồ, một mặt phẳng im, trên một lòng sâu tối. Đó là cái tính
của núi, đơn-sơ ba nét, ba chiều cổ-điển, nhưng tâm-lý chi-ly từng ngọn cỏ,
nhành gai. Yêu hồ yêu núi dường kia, không trách QUÁCH-TẤN không
thích bể là phải lắm. Một lần người bảo : « Tôi chỉ yêu nó khi nó là một
mặt lặng im thôi ». Tôi tưởng như người đã nói rõ quan-niệm của người
trong câu nói đó. Bởi vì QUÁCH-TẤN không phải chỉ là người chôn hoa
khóc hoa, tưởng nhớ một lòng sen, cảm thương một thân lá. Cũng không
phải ông chỉ là người ưa siêu-thoát ra ngoài thế-sự, mong lấy cái hư-vô
làm cái tâm-hồn, bởi lẽ tâm-hồn đã quá say đắm hư-vô, Không ! ông đủ cái
phức tạp của chúng ta, lại thêm cái từng-trải của một con người tam thập.
Nhưng ông đã trót mang cái quan niệm là đàn-áp, đàn-áp tất cả, để được
bình tĩnh mà đón tiếp thi ca. Tưởng là khô-khan của Cao-đạo nhưng thật ra
trong-suốt của Tượng-trưng. Cũng không đáng lấy làm lạ, khi người ta