Không bao giờ chú chịu tập võ. Các anh chị tôi có ý muốn truyền cho
chú vài miếng võ phòng thân chú đều thoái thác không chịu tập.
Ai có ngờ đâu chú Quao là một tay võ nghệ cao cường một mình đã
chống đỡ được với cả một bọn cướp, biết cả mọi ngón đòn trường đoản!
Tôi quên chưa nói tại sao mọi người gọi Quao là chú, tiếng chú đây để
chỉ một kẻ bề dưới. Chú Quao là người làm vườn, nên cả nhà đều gọi Quao
là chú.
Sau giây phút ngạc nhiên, bác tôi mừng rỡ nói:
- Chà! Tưởng là ai, chẳng hóa chú Quao! Chú Quao giỏi lắm. Bọn cướp
phải khiếp sợ. Nhờ có chú mà tôi và mấy ông trong xóm lấy lại được trâu
bò đồ đạc.
Chú Quao không nói gì. Có lẽ chú chưa biết nói gì cho phải.
Bác tôi vồn vã kéo chú Quao về. Bác tôi khoe với mọi người:
- Đây nhà hảo hán đã đánh tan bọn cướp! Không những riêng tôi phải
chịu ơn và kính phục, mà cả dân làng cũng cần biết ơn lòng nghĩa hiệp của
hảo hán đã giúp cho làng ta khỏi bị kẻ cướp khinh.
Dân làng, nhất là dân trong xóm, nhiều người biết mặt chú Quao. Họ
xúm vây quanh chú Quao để khen ngợi và để hỏi thăm về võ nghệ.
Chú Quao chỉ nói những lời khiêm tốn cảm ơn mọi người đã quá khen
mình. Chú nói:
- Nhờ hồng phúc của dân làng mà tôi thắng được bọn cướp! Thật ra võ
nghệ tôi đã bằng ai. Nếu không có ông Xã Thúc, các cậu Quắc, Ngạn kéo
tới làm bọn cướp kinh hoảng, riêng tôi có làm gì được chúng.
Thái độ của chú Quao thật là nhũn nhặn, đáng yêu! Càng khiêm tốn,
người ta lại càng thấy chú tài giỏi!
Lúc trở về, bác tôi đãi chú Quao vào hạng quý khách. Chú Quao bây giờ
không phải là người làm vườn của ông Xã Thúc, chú Quao là một tay võ
nghệ xuất chúng đáng nể vì.
Bác tôi mời chú Quao lên nhà trên và đêm đó ngủ cùng giường với bác
tôi cùng bàn chuyện võ nghệ!
Anh hùng lại gặp anh hùng, câu chuyện thật là ăn ý nhất là với lòng cảm
phục bác tôi đã có. Chú Quao cũng hiểu bác tôi là người quân tử độ lượng,