Hôm đó là một ngày thu mát mẻ. Gió thu hây hẩy thổi mấy lá vàng rơi.
Những luồng gió mát dịu rất tốt cho sự luyện võ, nó điều hòa sự hô hấp của
người luyện tập và gió như phe phẩy cũng giúp cho các võ sĩ không có mồ
hôi khi vận dụng sức nhiều.
Sân sau nhà Xã Thúc đã biến thành võ trường.
Các người dự cuộc thi võ đều ăn vận theo lối võ sinh trừ Cẩm Hứa Chử
vẫn cởi trần như những khi Cẩm chỉ huy mọi cuộc ra quân ăn cướp.
Cả Quắc và Ngạn cũng được dự cuộc khảo võ. Một số bạn bè và người
làng Xã Thúc ưa chuộng võ nghệ cũng được mời tới chứng kiến.
Họ ngồi ở hai bên sân theo chiều dài. Cũng không đông lắm chỉ độ ba
bốn chục người. Thấy nói có anh em bạn của chú Quao tới diễn võ, họ thích
lắm. Họ thấy chú Quao một mình đương đầu với cả bọn cướp mà nay chú
lại cùng chúng bạn diễn võ, cuộc biểu diễn tất nhiên phải hào hứng.
Thí võ cùng nhau, trong làng võ phân biệt hai lối đấu: lối đấu văn và lối
đấu võ.
Đấu văn không phải là lấy bút viết thành bài văn nói về cách sử dụng
một vài môn võ khí hoặc về cách dàn binh bố trận như đi thi cử võ tại triều
đình, đấu văn ở đây chỉ là một lối nói. Gọi là đấu văn nhưng vẫn phải dùng
tới võ lực.
Đấu văn trong nghề võ tức là chỉ so tài cùng nhau mà không có giao
chiến, thí dụ như hai người cùng thi nhảy, thi bắn, thi vác nặng, v.v…
Còn đấu võ là hai bên trực tiếp giao đấu với nhau, hoặc bằng quyền cước
hoặc bằng khí giới.
Trong một cuộc khảo võ để phân hơn kém bao giờ cũng đủ cả đấu văn
lẫn đấu võ. Những tay võ nghệ cao cường, dù trong cuộc đấu văn hay đấu
võ, tài nghệ của họ bao giờ cũng xuất sắc hơn người.
Trời thu hôm ấy mát mẻ và có mây rợp che.
Cuộc đấu võ đã diễn ra rất hào hứng, các tay dự thi và người xem đều rất
thú vị. Người dự thi vì không khí thân mật của võ trường, người xem vì
những trận đấu đều thần xuất quỷ nhập, nhìn không biết chán.
Cũng như mọi cuộc đấu võ xưa nay, cuộc khảo võ giữa hai phe Yên Thế
và Nhã Nam cũng bắt đầu bằng một cuộc đấu văn.