Những quả mít na thì lì lợm hơn. Trừ khi nắng nóng quá chúng sẽ chín
rùng rục, còn vào ngày bình thường, những cái miệng háu ăn, những cặp
mắt hau háu có săm soi và trèo lên sờ nắn suốt cả ngày mới được vài quả bé
bằng cái bát tô, tròn um ủm, bổ ra chưa ráo nhựa đã hết sạch. Phải ngày cây
mít na đông đúc quả không chín chúng tôi mới sờ đến cây mít nghệ cuối
vườn. Quả nó to và dài như cái thùng, treo lủng lẳng trên cành. Búng vào
thấy “bộp bộp” là hò nhau lấy dây thừng cột vào cuống, vắt qua cành. Đứa
ở trên cây cầm lấy dao, ngắm cho nó không rơi đụng quả khác, nhắm mắt
chặt thật mạnh. Mấy đứa ở dưới gốc thót bụng thả dây từ từ. Rồi cả lũ bâu
vào khênh quả mít như người ta khênh chiến lợi phẩm sau trận đánh lớn
được tổ chức cầu kì. Dù cường cượng hay đã chín mềm, hết góc này góc
khác được xẻ ra, từng múi mít dài như chiếc lược, vàng ươm màu nghệ, tứa
ra đầy mật lần lượt chui vào bụng lũ trẻ. Khi ấy, nghi thức cho buổi sáng
mùa hè đã tạm xong.
Nhưng, cũng có những sáng mùa hè, sau giấc ngủ có hơi mưa mát lịm,
bước ra sân, giàn mướp bị bão quật ngả nghiêng, rơi rụng những đốt tre khô
thâm sì, tơ tướp. Đấy là lúc rổ khoai lim vỏ tím lịm, ruột bở tung được dỡ
ra, bốc hơi nghi ngút. Dụi vài cái cho mắt hết nhèm, chúng tôi sà vào rổ
khoai, thi nhau thò tay búng, nóng bỏng tay rụt lại, kêu chí chóe. Theo kinh
nghiệm thì cứ củ nào búng vào kêu bùng bục là bở, nhưng củ nào cũng bở
cả, rốt cuộc, sau những tranh cướp, cãi vã, đứa nào đứa nấy hai tay hai củ
khoai, ngoạm bên này một miếng, bên kia một miếng, cổ duỗi ra, mắt trợn
ngược vì nghẹn.
Ăn xong, đứa cầm rổ, đứa cầm cái xẻng nhỏ, dắt nhau ra bờ ao. Chỗ rặng
tre hàng ngày đứa nào đứa nấy sợ rắn không dám bén mảng vì thỉnh
thoảng, có những con rắn đánh đu vắt vẻo trên cành tre, lột xác trắng xóa,
nom rõ khiếp. Nhưng mưa bão xong, nghĩa là tay tre sẽ rụng nhiều, và đất
mềm, hàng loạt măng tre nhu nhú đội đất xông lên. Khe khẽ gạt lớp đất ẩm
phía trên, những củ măng bằng cái bát con trắng nõn nà, xắn nhẹ là đã lìa
ra, lăn vào rổ. Nếu chịu khó chui vào bụi sẽ đẵn được những cây măng dài
bằng cánh tay trẻ con, to như bắp đùi người lớn, non sần sật. Gai cào tơi tả,