LỜI TÁC GIẢ
T
ôi nghĩ mình là người khá khác biệt, đôi khi xã hội vì những người
như tôi mà chậm tiến không chừng. Đi đâu, làm gì, tôi cũng mang trọn gốc
gác và niềm tự hào cố hữu khi sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Quảng Trị
anh hùng (đằng sau danh từ chỉ quê tôi luôn là những tiếng như vậy, hoặc là
“nắng gió”, “cằn cỗi”, “khốn khó”…).
Tôi yêu tha thiết những tiếng “chi, mô, răng, rứa, tê, nờ” trọ trẹ mà rổn
rảng khó nghe, yêu hàng chè tàu được cắt xén thẳng tắp từ nhà ra ngõ, yêu
dải xuyến chi chạy dài bất tận ven đường, yêu mái trường thị xã từng theo
học, yêu dòng Thạch Hãn bi tráng và linh thiêng…
Tôi thương những người phụ nữ cắm cúi làm lụng quanh năm mà đám
giỗ chạp nào cũng ngồi thui thủi mâm dưới, thương những người đàn ông
trụ cột cho cả gia đình nên bươn chải khắp nơi, thương bao em bé nhà
nghèo mưa nắng đạp xe tới trường mà vẫn đạt học bổng xứ này xứ khác.
Tôi khắc sâu nhiều câu chuyện bi thương về mỗi địa danh, mỗi cuộc đời
đi qua chiến tranh rồi lẳng lặng để lại thanh xuân và máu thịt của mình.
Phải kính cẩn nghiêng mình trước những cuộc đời lớn lao ấy để thế hệ như
tôi may mắn sinh ra được sống trong hòa bình.
Ở xứ mà gió đã thành “đặc sản” và “thương hiệu”, cơ cực luôn là ý niệm
hiện hữu trong suy nghĩ nhiều người. Ở nơi mà mất mát được nhắc tới nhắc
lui trong từng trang sử, khổ đau âm thầm tồn tại từ tháng năm này qua