Bormann khéo léo tìm cách biết được – mà không làm mếch lòng
người khác, – ai đến gặp Quốc trưởng về vấn đề gì, và y cũng biết cách
khuyên nhủ ai nên làm những gì, xử sự ra sao trong lúc được tiếp kiến. Y tổ
chức thế nào để ý kiến của các vị khách trùng hợp với quan điểm của Quốc
trưởng.
Những người cho phép mình tranh luận với Quốc trưởng để bảo vệ
quan điểm riêng của họ, một quan điểm trái với quan điểm chung, đều bị
Bormann tìm cách gạt ra, không cho họ được gặp Hitler.
Bormann ăn nói lắp bắp, nhưng y lại biết cách soạn thảo các thứ văn
bản một cách tài tình, y thông minh nhưng lại biết cách che giấu sự thông
minh của mình dưới cái vẻ ngoài nhân hậu, thẳng thắn và thô lỗ; y là một
người toàn năng, nhưng lại biết cách xử như một kẻ bình thường phải “đi
tham khảo ý kiến” của người khác trước khi đi tới một quyết định ít nhiều
quan trọng.
Chính con người đó, chính Martin Bormann, đã nhận được “tận tay”,
qua đường dây bí mật từ cơ quan SD, một bức thư có nội dung như sau:
“Thưa ngài Bormann! Trong Ban thư ký của Ngài, có người của tổ
chức SD gài vào – tôi chưa rõ tên tuổi của họ, nhưng nếu như được
Ngài đích thân ra lệnh, tôi có thể xác định được họ là những ai. Tôi
không tin rằng bức thư này đến được tay Ngài. Nếu nó đến được, tôi
sẽ trình bày với Ngài một vấn đề có tầm quan trọng quốc gia. Hiện
nay, sau lưng Quốc trưởng có một số kẻ mà tôi biết là đang bắt đầu
tiến hành trò đàm phán với các đại diện của lực lượng dân chủ
phương Tây thối tha ở Thụy Điển và Thụy Sĩ. Việc đó diễn ra giữa
cuộc chiến tranh tổng lực, việc đó diễn ra giữa những ngày tương lai
của thế giới đang được quyết định trên các chiến trường. Tôi có thể
thông báo với Ngài mọi chi tiết về các cuộc đàm phán bội phản đó.
Tôi cần có sự bảo đảm, bởi vì nếu bức thư này rơi vào tay cơ quan
SD, tôi sẽ lập tức bị thủ tiêu. Bởi vậy, tôi không dám ký tên. Tôi đề
nghị Ngài, nếu Ngài thấy điều tôi thông báo với Ngài là quan trọng,