thì ngày mai Ngài hãy đến khách sạn “Noah To”, đối diện với Viện
bảo tàng Tự nhiên học, vào hồi 13 giờ 00. Một đảng viên Quốc xã
trung thành với Quốc trưởng”.
Bormann ngồi cầm lá thư ấy một hồi lâu. Mấy lần cánh tay y đã định
cầm lấy ống nghe điện thoại... Y tính gọi điện cho Müller, kẻ cầm đầu
Gestapo. Y biết Müller chịu ơn y ra sao và y chịu ơn Müller như thế nào.
Müller, một tên mật thám lõi đời, đầu những năm ba mươi đã hai lần đập
tan tổ chức của đảng Quốc xã ở Bavaria. Sau đó, Müller chuyển sang phục
vụ cho đảng này, khi nó trở thành chính đảng quốc gia của nước Đức.
Trước năm 1939 kẻ cầm đầu Gestapo vẫn còn ở ngoài đảng: các nhân viên
cơ quan an ninh không thể tha thứ cho sự cúc cung tận tụy của Müller trong
thời kỳ tồn tại của nước cộng hòa Weimar. Bormann, chính Bormann, – và
Müller biết rõ điều đó – đã giúp đỡ Müller vào đảng. Y đã bảo đảm với
Quốc trưởng về Müller. Nhưng Bormann không bao giờ để Müller quá gần
gũi mình. Trong thâm tâm, y không tin tất cả bọn người bên lực lượng SS
cho lắm. Bọn chúng đều phục vụ Himmler bằng cách này hay cách khác.
Từ trước đến giờ, y vẫn thăm dò Müller và cân nhắc hai khả năng: nếu để
hắn trở thành người thân cận, thì dùng hắn đến cùng, cho hắn biết những
điều cơ mật nhất. Bằng không, thì chẳng nên nghĩ đến hắn làm gì cho uổng
công.
“Cái này là gì? – Bormann xem lại bức thư hàng chục lần và thầm
nghĩ, – Một thủ đoạn phá hoại chăng? Vị tất, tác giả bức thư là một kẻ mất
trí chăng? Cũng không phải – chuyện này có vẻ thật lắm... Nhưng nếu hắn
là người của Gestapo, và nếu như Müller cũng tham gia trò chơi kia?
Những con chuột bỏ chạy khỏi chiếc tàu bị đắm – mọi chuyện đều có thể
xảy ra. Ít nhất cái này cũng có thể là con bài nằm chờ thời cơ chống lại
Himmler. Nếu vậy thì ta có thể bình thản không thèm ngó ngàng đến tên đê
tiện ấy, chuyển toàn bộ số tiền của đảng vào các nhà băng trung lập theo tên
những người của mình, chứ không theo tên những người của hắn ta...”