– Tôi chán đánh nhau cho Quốc trưởng lắm rồi. Tôi sẽ chống lại ông
ta, nếu chính ông ta muốn như vậy.
– Giấy tờ đâu? – tên lính mô-tô hỏi.
Stierlitz chìa cho hắn thẻ căn cước của mình và hỏi:
– Có chuyện gì vậy?
Tên lính mô-tô xem giấy, giơ tay chào và đáp:
– Người ta báo động cho chúng tôi đi tìm những kẻ đánh điện.
– Thế đã thấy chưa? – Stierlitz cất thẻ vào túi và hỏi. – Vẫn chưa phát
hiện ra điều gì hay sao?
– Xe của ngài là chiếc thứ nhất qua đây.
– Các anh có muốn ngó xem chỗ để hàng hay không? – Stierlitz mỉm
cười.
Bọn lính mô-tô cũng cười:
– Xin đại tá thận trọng, trước mắt có hai hố bom đấy ạ!
– Cảm ơn, – Stierlitz nói. – Bao giờ tôi cũng thận trọng cả.
“Tại buổi liên lạc của Erwin đây mà, – anh đã hiểu, – chúng đang chặn
các con đường chạy về phía đông và phía nam. Kể ra chúng cũng khờ khạo
thật, dù rằng về nguyên tắc thì đúng, nếu đối tượng của chúng là một kẻ
ngây thơ ít hiểu biết về nước Đức”.
Anh cho xe chạy vòng, tránh hai hố bom. Đó là hai hố bom mới, bởi
vì có mùi khen khét lọt vào xe qua cửa thông gió.
“Hãy quay về với những con cừu của ta, – Stierlitz tiếp tục nghĩ. – Mà
chúng đâu phải là những con cừu như các họa sĩ Kukryniksy và Efimov vẽ
chúng. Nghĩa là, phương pháp mình khẳng định cho mình như sau: thái độ
quan tâm đến hòa bình của từng tên Ribbentrop, Goering, Bormann hay
thống chế Kluge là cái chính sẽ giúp mình hiểu được sự lo ngại của Trung
tâm. Nhưng ai sẽ tiến hành đàm phán riêng lẻ với chúng? Roosevelt chăng?