của ông, với lý do họ kêu gọi đến những phần thấp hơn, những phần
phi lý trí của bản tính chúng ta (605). Sự thù nghịch của Platon đối với
thi văn có thể hiểu được khi ta biết rằng, thi văn cho đến thời đại của
ông hầu như là nguồn độc nhất cho khái niệm tổng quan về đạo đức,
còn Platon lại là kẻ tranh đấu cho tiếng gọi của lý tính phát xuất từ
Sokrates. Platon chắc sẽ kinh hoàng trước ảnh hưởng tràn ngập và hầu
như không điều chế nổi của các phương tiện thông tin và những kỹ
nghệ vui chơi và quảng cáo trên từng mỗi người trong xã hội đương
đại bắt đầu từ tuổi còn rất thơ trẻ trở lên. Chúng ta có thể không ưa
thích giải pháp kiểm duyệt của nhà nước Platon, nhưng ông cũng lưu ý
chúng ta về một vấn đề vẫn hiện hành, làm thế nào sự thật và sự tốt
lành có thể trình bày và khắc sâu vào giữa một thế giới hỗn độn những
tranh chấp văn hóa cùng những lợi ích và ảnh hưởng kinh tế.
Trong Cộng hòa, Platon đã bàn luận các thể chế dân chủ một cách
có phần vội vàng, và ta có thể nghĩ là thiếu sòng phẳng. Ông đã nghĩ
đến típ dân chủ kiểu thành bang Athena, trong đó mỗi công dân có
một phiếu bầu cho những quyết định quan trọng. Nếu hệ thống bầu cử
điện tử ngày nay có thể giải quyết vấn đề bầu cử như thế một cách dễ
dàng, thì chắc hẳn vẫn có thể đưa đến kết quả một chính quyền bất ổn,
do những thị hiếu thất thường của khối quần chúng khổng lồ dễ dàng
bị ảnh hưởng do những cảm xúc tập thể, những quảng cáo hùng biện
và khéo léo, mà Platon đã phê bình trong thể chế dân chủ Athena.
Nhưng điểm gay cấn nhất trong nền dân chủ hiện đại − một chính
quyền phải phục tùng chấp nhận việc tái cử trong một thời hạn nhất
định – đã cung cấp phương tiện cho một thay đổi trong ổn định, điều
không có trong Cộng hòa. Ta cũng cần ghi nhận rằng, trong các tác
phẩm hậu thời, như trong Politikos (Chính trị gia/Statesman) và
Nomoi (Luật/Laws), Platon đã chủ trương tính định chế của pháp luật
và xác nhận dân chủ − mặc dầu những khiếm khuyết của nó − là hiến
pháp tốt nhất trong điều kiện Bản tính con người chúng ta.