nghiên cứu tinh thần một cách hệ thống đã được bắt đầu với Viện Hàn
lâm của Platon. Trong năm cuối cùng đời mình, Aristoteles đã bị
những đấu tranh chính trị ép buộc một lần nữa phải rời bỏ Athena.
Toàn bộ thư văn của Aristoteles được để lại đến ngày nay cho chúng
ta trải rộng một loạt lĩnh vực đáng kinh ngạc: luận lý, siêu hình, nhận
thức luận, thiên văn học, vật lý học, khí tượng học, sinh vật học, tâm
lý học, đạo đức học, chính trị học, luật học, nghệ thuật học (“poetics”)
– và trong nhiều chủ đề nói trên, Aritoteles là một kẻ tiên phong. Thời
bấy giờ chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa triết học và khoa học:
Aristoteles quan tâm đến việc diễn tả thành công thức những khái
niệm và những nguyên lý cơ bản trong mọi lĩnh vực. Ông nghiên cứu
những điều mà ngày nay ta gọi là những bộ ngành khoa học thiên văn,
vật lý, sinh vật học, tâm lý − đặt ra những nền móng phần lớn không
ai nghi vấn cho đến thế kỷ XVII. Hẳn còn có nhiều thư văn không
được lưu truyền, tài năng và nghị lực của ông thật kỳ diệu. Những bản
văn mà chúng ta có, mang tính cách rút ngắn và dưới hình thức những
ghi chú hơn là những tác phẩm trau chuốt, dũa mài, văn chương thanh
lịch như các Đối thoại của Platon. Thư văn của Aristoteles có tính trừu
tượng, kỹ thuật và hệ thống: Ông là một triết gia của mọi triết gia.
Nhưng, Đạo đức học Nikomacheia (Nikomacheia Ethika: vt. NE,
[Nikomachos là tên của con hoặc của cha được Aristoteles đề tặng tác
phẩm, ND]), là tác phẩm chính trong đó Aristoteles bàn về cuộc sống
của con người, những lý tưởng và những thay đổi thịnh suy, lại tương
đối dễ tiếp nhận hơn. Những tham chiếu của tôi liên hệ với bản văn
này (sử dụng cách đánh số theo chuẩn thường dùng, ghi sau ký hiệu
NE), ngoại trừ có chỉ dẫn khác. Tác phẩm này tuy thế vẫn không dễ
đọc (đúng với bất cứ một triết học căn bản nào). Giống như với
Cộng hòa của Platon, Đạo đức học Nikomacheia bàn về vấn đề sống
thế nào. Tác phẩm không dài lắm, cấu trúc có hệ thống, đôi nơi đạt
đến trình độ hùng biện. Tác phẩm Về vấn đề Linh hồn (De anima),